Siêu thị đông khách đến mức quá tải nhưng vẫn than lỗ, vì sao?
Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cho biết thời gian qua, các kênh mua sắm đều quá tải nhưng doanh nghiệp vẫn chịu lỗ. Vì sao?
Đại diện Saigon Co.op - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food - vừa cho biết, thời gian qua, lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến kênh mua sắm trực tiếp lẫn online đều quá tải.
"Nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm", vị này nói.
Giải thích về vấn này, đại diện Saigon Co.op cho hay người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống, chiếm tỷ lệ hơn 75%. Trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể đối với nhóm này, siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt…
Bên cạnh đó, các mặt hàng bình ổn cũng được siêu thị bù lỗ để giữ giá, điển hình nhất là mặt hàng trứng gà, có thời điểm giá bán ra của siêu thị còn thấp hơn giá mua vào.
"Hàng loạt chi phí 'khủng' đặc thù phát sinh trong mùa dịch cũng là khó khăn lớn cho siêu thị, như chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, tài xế, chế độ chính sách cho người lao động mùa dịch, phí shipper giao hàng tăng cao", đại diện Saigon Co.op nói thêm.
Ngoài ra, trong lúc tình hình dịch phức tạp, hàng loạt siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm, điều này cũng khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng.
Theo đại diện doanh nghiệp, nhiều tháng qua, kể từ khi dịch bùng phát, hệ thống đã cố gắng hết sức, thậm chí bù lỗ để giữ và giảm giá để thiết thực hỗ trợ người dân mua sắm tiết kiệm, yên tâm cùng cả nước chống dịch.
Dù vậy, Saigon Co.op cho biết trong tháng cao điểm tiếp theo vẫn sẽ nỗ lực hết sức để giữ và giảm giá hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân, tăng cường phối hợp các đoàn thể địa phương đưa hàng hóa đến các hộ dân, khu cách ly, bệnh viện dã chiến một cách hiệu quả hơn.
Không riêng siêu thị, trước đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung cấp hàng thiết yếu ở TP.HCM cũng cho biết đã cố gắng giữ giá bán ra để hỗ trợ người tiêu dùng, dù giá thành sản xuất tăng cao và nhu cầu hàng thiết yếu cũng tăng mạnh. Giữ giá bán ra đồng nghĩa với việc phải gồng chịu lỗ.
Đơn cử, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Công ty CP Ba Huân - doanh nghiệp giữ thị phần lớn về trứng gia cầm tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho biết, công ty đã từ chối việc tăng giá trứng dù được Sở Công Thương TP.HCM đồng ý cho phép tăng giá.
Nguyên nhân là nếu doanh nghiệp bình ổn thị trường như Ba Huân tăng giá, ngay lập tức, giá trứng bên ngoài cũng sẽ tăng mạnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, nhất là người lao động phổ thông, người có thu nhập trung bình và thấp vốn đang sống khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận