Siết chặt quản lý đất đai trên đảo Phú Quốc
Trước thực trạng phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp và kéo dài nhiều năm đã làm tổn hại nghiêm trọng tài nguyên rừng trên đảo Phú Quốc, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện quyết liệt, siết chặt, quản lý đất rừng trên địa bàn, bảo vệ “lá phổi xanh” trên đảo ngọc này.
Khi thành phố Phú Quốc được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, kinh tế - xã hội của thành phố này phát triển nhanh về mọi mặt và trên đà phát triển mạnh. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề tích cực đó là phát sinh nhiều vi phạm trên lĩnh vực đất đai. Cụ thể, hoạt động giao dịch, chuyển nhượng đất đai tăng đột biến, giá đất tăng cao, hiện tượng phá và lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn biến phức tạp, tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng…
Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng của một bộ phận không nhỏ cá nhân, tổ chức lợi dụng khe hở pháp luật tiến hành các hoạt động tách thửa, phân lô trên đất nông nghiệp dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về đất đai gia tăng. Công tác quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền địa phương từng lúc, từng nơi còn thiếu kiên quyết, thiếu kiểm tra, chưa chủ động trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn vi phạm dẫn đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định. Việc lấn chiếm đất nhà nước quản lý không được kiểm tra, xử lý kịp thời.
Trước tình hình phức tạp về đất đai, lấn chiếm, xâm hại tài nguyên rừng, tháng 8/2021, thành phố Phú Quốc thành lập Tổ kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về vấn đề này trên địa bàn. Sau đó, tháng 6/2022, UBND tỉnh Kiên Giang thành lập Tổ công tác đặc biệt kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Qua thực hiện nhiệm vụ của 2 Tổ công tác này, đến nay đã kiểm tra, phát hiện hơn 1.330 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và đã lập hồ sơ xử lý 654 trường hợp, số còn lại tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm như: chuyển mục đích sử dụng đất không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; lấn, chiếm đất nhà nước quản lý; chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện; lấn, chiếm rừng, phá rừng trái pháp luật…
Theo UBND thành phố Phú Quốc, các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát gần 50 vị trí trên địa bàn các xã Cửa Dương, Gành Dầu, Hàm Ninh, Bãi Thơm, hai phường Dương Đông và An Thới phát hiện tổng diện tích rừng bị tác động hơn 43 ha, gồm: rừng đặc dụng 11,7 ha, rừng phòng hộ 31,5 ha. Các hình thức tác động lấn chiếm như: xây cất 197 nhà cấp 4, nhà tạm, đổ bê tông hàng chục nền móng, xây dựng tường rào xi măng, làm hàng rào dây kẽm gai, lưới B40, xây dựng đường bê tông xi măng; trồng hơn 8.850 cây các loại… Hiện, lực lượng chức năng, các địa phương tiến hành xử lý những vấn đề này, thông báo yêu cầu các đối tượng tháo dỡ, di dời vật kiến trúc, cây trồng ra khỏi rừng, trả lại đất rừng cho nhà nước, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành.
Đại diện lãnh đạo thành phố Phú Quốc cho biết, nguyên nhân phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp do việc quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp trên đảo Phú Quốc thời gian qua còn nhiều bất cập. Cụ thể như ranh giới mốc rừng chưa phù hợp trên bản đồ với thực địa, còn chồng lấn với đất của tổ chức, cá nhân chưa được giải quyết dứt điểm. Tiếp đến, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và Vườn Quốc gia Phú Quốc trong thực hiện quy chế phối hợp chưa thống nhất cao, giải quyết chưa dứt điểm các vụ vi phạm kéo dài, diễn biến ngày càng phức tạp. Việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ cá nhân trước đây mua bán qua nhiều người, chủ rừng chậm giải quyết việc thực hiện sai hợp đồng đã ký kết. Chính quyền địa phương các xã, phường chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn về đất đai, đất lâm nghiệp.
Mặt khác, nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi ích trước mắt tìm đủ mọi thủ đoạn phá rừng, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp, mua bán sử dụng trái pháp luật. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, một số đối tượng cố tình đưa người làm thuê ra đối phó, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý vụ việc vi phạm.
Qua thực hiện nhiệm vụ quyết liệt của 2 Tổ công tác theo kế hoạch cùng với sự đồng tình ủng hộ của người dân, bước đầu đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc lập lại trật tự, kỷ cương lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Phú Quốc. “Một bộ phận người dân qua công tác vận động, tuyên truyền đã nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật nên chấp hành tự tháo dỡ, di dời công trình xây dựng ra khỏi rừng, trả lại hiện trạng đất rừng cho nhà nước.” – Ông Hưng cho hay.
Mặc dù vậy, nhận định của lãnh đạo thành phố Phú Quốc, các vụ việc vi phạm đất đai, lâm nghiệp, xây dựng trên địa bàn thành phố hãy còn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần phải quyết liệt, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cụ thể là còn một bộ phận không nhỏ đối tượng chủ mưu thực hiện các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trái pháp luật vì lợi ích kinh tế; tình hình vi phạm còn xảy ra trên địa bàn đảo. Các khu vực bị tác động chủ yếu là đất rừng không quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, đất vùng đệm quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp và đất rừng có vị trí đẹp tiếp giáp với đất quy hoạch dự án hoặc giáp đất dân...
Cùng với siết chặt, quản lý đất đai trên đảo, thành phố Phú Quốc phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng Phú Quốc”, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện tốt quy định của pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp, đất đai, tích cực tham gia các hoạt động trồng cây gây rừng. Tăng cường sự giám sát của nhân dân, cộng đồng, các đoàn thể - xã hội đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…; Tập trung trồng rừng phủ kín trên diện tích 40 ha đất vi phạm đã thu hồi và diện tích đất chưa có rừng, đất rừng nghèo.
Thành phố biển đảo Phú Quốc, với địa hình phần lớn là đồi núi, rừng và đất lâm nghiệp khoảng 37.430 ha, chiếm 63,52% tổng diện tích của thành phố. Việc bảo vệ “lá phổi xanh” này góp phần tích cực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là phát triển du lịch đảo ngọc Phú Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận