Shark Hưng: 'Trong vòng 2 năm tới, bất động sản Việt Nam sẽ được điều chỉnh xuống'
Theo ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), Phó chủ tịch CEN Group, hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn gần cuối một chu kỳ bất động sản, bởi chu kỳ này bắt đầu từ khoảng năm 2010. Vì thế, nếu tính theo chu kỳ trên, chúng ta có thể dự báo bất động sản Việt Nam sẽ được điều chỉnh giá xuống sâu, ít nhất trong vòng 2 năm tới.
- Vì sao ông lại chuyển hướng kinh doanh, trong khi trước đây ông từng là cán bộ khoa học?
Đơn giản vậy thôi.
- Vì sao ông nhận lời làm shark trong chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) và những biến cố gần đây với các shark đã ảnh hưởng đến ông thế nào?
Tôi nhận lời vì tôi nghĩ rằng chương trình Shark Tank cũng khá hay và khiến cho bản thân cảm thấy “refresh”, tức là làm mới tư duy của mình, cũng như cập nhật thêm về các mô hình kinh doanh của các bạn trẻ ở trong nước và thế giới. Một điều nữa là, tôi rất muốn có thể chia sẻ và giúp đỡ được các bạn startup, đặc biệt về những kinh nghiệm quản trị và khởi nghiệp.
Còn việc đầu tư, tôi nghĩ rằng đây là phần không hẳn là mục tiêu chính, dù rất nhiều các bạn trẻ mong muốn nhận được khoản đầu tư. Thế nhưng, tôi cho rằng những khoản đầu tư này không hẳn là mục tiêu chính của tất cả các shark. Tất nhiên, ai ngồi trên đó (Shark Tank Việt Nam) cũng đều phải có những cam kết đầu tư, nhưng ở góc độ đầu tư để kiếm lời thì đó không phải mục tiêu chính của các shark.
Trong thực tế, cho đến thời điểm này đã hết 3 mùa Shark Tank, nhưng đối với tất cả các shark bỏ tiền ra hầu như vẫn chưa nhìn thấy dự án nào thực sự mang lại lợi nhuận, có những dự án vẫn đang triển khai, có thể tốt hoặc chưa tốt, có những dự án gần như đóng cửa và chấm dứt ngay lập tức, đương nhiên các shark đã mất tiền. Vì thế, những hoạt động đầu tư để thu lại lợi nhuận có lẽ chưa nhìn thấy, đối với nhiều shark ở chương trình Shark Tank không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, kể cả tôi.
Chẳng hạn, những shark đang hoạt động kinh doanh như Shark Việt, Shark Phú rất bận rộn vào công việc kinh doanh của mình, nhưng không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ở trên đó, chỉ có một số ít các shark đã từng tham gia trong 3 mùa Shark Tank, ví dụ như Shark Linh, Shark Dũng và gần đây là Shark Bình hay Shark Louis. Đó là những shark làm việc cho các quỹ đầu tư và họ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Vì vậy, đối với những người không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp như chúng tôi, việc tham gia Shark Tank chủ yếu là để cập nhật về các xu hướng kinh doanh cũng như chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các bạn trẻ khởi nghiệp.
Về những biến cố vừa qua của các shark, tôi thấy rằng chẳng phải các shark mới có những câu chuyện đó. Chẳng qua, có thể vì các shark nổi tiếng quá nên câu chuyện trở nên được quan tâm của công luận nhiều hơn. Cá nhân tôi thấy rằng những câu chuyện đó là hết sức bình thường, tôi không thấy ảnh hưởng gì cả.
- Ông đánh giá thế nào về triển vọng thị trường bất động sản (BĐS) năm 2020 và các năm tiếp theo?
BĐS mang tính chu kỳ, chu kỳ BĐS Việt Nam khá ngắn so với chu kỳ chung của thế giới. Ở trên thế giới, một chu kỳ BĐS thường kéo dài từ 15-20 năm (trung bình 18 năm), nhưng tại Việt Nam chu kỳ đó chỉ khoảng 8-10 năm.
Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn gần cuối một chu kỳ BĐS, bởi chu kỳ này bắt đầu từ khoảng năm 2010. Do đó, ở góc độ chu kỳ vận động của BĐS, chúng ta có thể dự báo một vài năm tới sẽ có khoảng chững như đã từng xảy ra vào khoảng 10 năm trước, tức là BĐS chững lại vào khoảng năm 2010-2013, cuối 2013 đến đầu 2014 mới “ấm” trở lại. Vì thế, nếu tính theo chu kỳ trên, chúng ta có thể dự báo BĐS Việt Nam cũng sẽ bắt đầu một giai đoạn điều chỉnh khoảng 2-3 năm.
Ngoài ra, tính cụ thể ở Việt Nam tại thời điểm này, chúng ta thấy rằng việc sửa đổi rất nhiều luật liên quan đến kinh doanh BĐS, nhà ở; đồng thời có rất nhiều thanh tra về đất đai, dự án cũng khiến cho quá trình cấp phép dự án bị chậm ở phần lớn các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng, cùng với đó là các vấn đề về tài chính tiền tệ thắt chặt và biến động của thị trường chứng khoán.
Với tất cả những yếu tố trên, tôi cho rằng BĐS Việt Nam đang ở trong giai đoạn điều chỉnh xuống sâu trong vòng 2 năm tới.
Đây cũng là cơ hội cho một số đối tượng, chẳng hạn như những người mua BĐS để ở đang là cơ hội rất tốt. Cách đây 7-8 năm trước, tôi cũng đã từng khuyên như vậy, tất nhiên cũng có nhiều người nghe theo và đã mua được những ngôi nhà với giá rất rẻ. chẳng hạn, tại thời điểm đó, có thể mua nhà ở Times City, hay một số dự án ở khu vực quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai với mức giá rất tốt (khoảng hơn 20 triệu/m2), bây giờ những ngôi nhà đó đã lên giá gấp đôi.
Theo tôi, thời điểm này (ít nhất 2 năm tới) BĐS đang được điều chỉnh giá xuống sâu, những người mua để ở nên mua. Hiện, rất nhiều dự án đang có những chính sách hỗ trợ rất tốt, thường về giá có thể không xuống sâu lắm, nhưng hỗ trợ về hoàn thiện nội thất hay cho vay tài chính miễn lãi suất… đang rất có lợi cho người mua.
Mặt khác, đây cũng là thời gian để các nhà đầu tư kịp chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, cơ hội để thâu tóm các dự án có quỹ đất tốt. Cũng giống như chứng khoán, có lúc lên và lúc xuống, và những lúc giá cổ phiếu xuống mới là cơ hội cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, BĐS bao giờ cũng có yếu tố vị trí và khu vực, có thể có những vị trí vẫn có xu hướng tăng. Đặc biệt, những nơi có sự phát triển cơ sở hạ tầng vượt bậc, ở đó giá BĐS vẫn có thể tăng.
- Ông quan niệm thế nào về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?
Tôi có làm ban giám khảo của chương trình Doanh nhân cộng đồng, theo tôi trách nhiệm cộng đồng của một doanh nhân không chỉ là chuyện làm từ thiện.
Trách nhiệm cộng đồng là một khái niệm rất rộng, đó là bạn làm tất cả những hoạt động sản xuất kinh doanh mà bạn phải nghĩ đến lợi ích hoặc những ảnh hưởng đến cộng đồng. Chẳng hạn, khi sản xuất những nguyên liệu đó bạn lấy từ đâu ra, những nguyên liệu đó có ảnh hưởng đến môi trường hay không? Hay các bạn tạo ra việc làm như thế nào? Có sử dụng hay bóc lột sức lao động của trẻ em hay không?
Cho nên, trách nhiệm xã hội hay trách nhiệm cộng đồng có nghĩa là bản thân trong hoạt động sản xuất kinh doanh luôn luôn tồn tại, chứ không phải trách nhiệm cộng đồng chỉ là làm công tác từ thiện.
Tôi cho rằng, làm bất cứ một việc gì, mỗi doanh nhân đều phải lưu ý đến vấn đề trách nhiệm của mình trong cộng đồng. Bản thân việc chúng ta tạo ra công ăn việc làm, tạo ra lợi ích hàng hóa sản phẩm vật chất cho xã hội, đóng góp thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước, khai thác những giá trị gia tăng để tránh Việt Nam khỏi xuất thô nguyên liệu rồi nhập về thành phẩm, tất cả những điều đó là trách nhiệm lớn nhất của mỗi doanh nhân.
Hãy cứ nhìn xem, số thuế mà nhà nước thu được từ đóng góp của các doanh nhân và doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn, đó chính là trách nhiệm cộng đồng của mỗi doanh nhân.
- Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận