SGD lãi ròng chưa đến 1 tỷ trong quý 3, tồn kho tăng cao do sách cũ khó bán
CTCP Sách Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh (HNX: SGD) công bố BCTC quý 3 với lãi ròng chưa đến 1 tỷ đồng, do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Tồng tài sản phình to do lượng hàng tồn kho tăng đột biến và tăng đầu tư tài chính ngắn hạn.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp kéo tụt lợi nhuận
Theo BCTC quý 3/2023, SGD đạt doanh thu thuần hơn 85 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ), đóng góp chính từ hoạt động kinh doanh sách giáo khoa và sách bài tập phát hành, sách tham khảo.
Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 7.2 tỷ đồng, tăng mạnh 49%, biên lãi gộp tăng 3 điểm phần trăm lên mức 8.4%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh và duy trì ở mức cao. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 52% lên 2.5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 254% lên 2.4 tỷ đồng, dẫn đến lãi sau thuế còn chưa đến 1 tỷ đồng, giảm 39%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, SGD ghi nhận doanh thu thuần hơn 153 tỷ đồng, giảm 6%; lãi ròng 0.5 tỷ đồng, giảm 53%, chịu tác động bởi khoản lỗ trong quý 1 - mùa thấp điểm phát hành sách giáo dục.
Năm 2023, SGD đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 200 tỷ đồng và lãi trước thuế 7.5 tỷ đồng. Sau 9 tháng, SGD thực hiện được lần lượt 77% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2023 của SGD (Đvt: Tỷ đồng)
Tồn kho tăng mạnh, đầu tư chứng khoán không hiệu quả
Cuối quý 3, tổng tài sản của SGD đạt 160 tỷ đồng, tăng 63% so với đầu năm, do hàng tồn kho và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh, lần lượt ở mức 107% và 2,037%.
Tổng giá trị hàng tồn kho gần 80 tỷ đồng, chiếm 50% tổng tài sản. Mặc dù Công ty không thuyết minh chi tiết khoản mục này trên BCTC quý 3 nhưng trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Công ty cho biết phải chịu áp lực tồn kho trong năm nay do lượng sách theo chương trình cũ khó tiêu thụ sau khi có chủ trương đổi mới toàn diện nội dung, chương trình sách giáo khoa.
Diễn biến tài sản những quý gần đây của SGD
Đối với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, tổng giá trị đạt 21.5 tỷ đồng, trong đó có 20.5 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng, cùng kỳ năm trước không phát sinh khoản mục này.
Bên cạnh gửi ngân hàng, SGD cũng dùng tiền để đầu tư chứng khoán với tổng giá trị đầu tư ban đầu hơn 2.2 tỷ đồng, tuy nhiên việc đầu tư này không mang lại hiệu quả khi Công ty đã “chia đôi tài khoản”, giá trị danh mục hiện tại chỉ còn hơn 1 tỷ đồng. Hai khoản đầu tư lớn nhất của Công ty là tại cổ phiếu VLC của Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam và cổ phiếu VE8 của CTCP Xây dựng diện VNECO. Đáng chú ý, còn có khoản đầu tư vào cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC, từng ghi nhận tỷ trọng cao trong những năm trước nhưng hiện chỉ còn 517 ngàn đồng, cổ phiếu FLC đã bị đình chỉ giao dịch.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả ở mức 101.7 tỷ đồng, chiếm đến 64% với đa phần là các khoản phải trả ngắn hạn, trong đó có 20 tỷ đồng phải trả đối với quỹ bình ổn sách giáo khoa.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu SGD giảm gần 17%, đạt 19,200 đồng/cp khi kết phiên 01/11, thanh khoản bình quân gần 1 ngàn cp/phiên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận