SCS và cơ hội mới từ... Qatar
Năm 2024 sẽ là một năm tích cực đối với SCS, khi doanh nghiệp đã giành được hợp đồng cung cấp dịch vụ bốc dỡ hàng hóa tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất cho Qatar Airways.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HoSE: SCS) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 200 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh 77% so với cùng kỳ, lên 54,5 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường hàng không này giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 144 tỷ đồng.
Trong kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng 8% so với cùng kỳ, lên 19 tỷ đồng, nhưng chi phí cho hoạt động này cũng tăng mạnh 675%, lên 0,9 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 33% so với cùng kỳ, lên 16 tỷ đồng. Đáng chú ý là doanh nghiệp không phát sinh lãi vay cũng như chi phí bán hàng.
Kết quả, kết thúc quý cuối năm 2023, doanh nghiệp ngành vận tải hàng hóa này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 128,4 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân sụt giảm chủ yếu đến từ việc so với mức nền cao cùng kỳ, giai đoạn cơn sốt hàng hóa lên đỉnh điểm và tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải, trong đó, có cả vận tải qua đường hàng không như SCS.
Lũy kế cả năm 2023, SCS ghi nhận doanh thu thuần hơn 700 tỷ đồng và lãi ròng gần 500 tỷ đồng, giảm lần lượt là 17% và 23% so với năm trước. Với kết quả trên, doanh nghiệp thực hiện được hơn 90% mục tiêu doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của SCS đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm đến 62% tổng tài sản, tương đương gần 1.100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng nợ phải trả của SCS tăng hơn 200% so với đầu năm, lên 364 tỷ đồng, chủ yếu do phải trả ngắn hạn khác thêm gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, một điểm sáng trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này là không có nợ vay và nợ thuê tài chính.
Theo Chứng khoán SSI, năm 2024 sẽ là một năm tích cực đối với SCS, khi doanh nghiệp này đã giành được hợp đồng cung cấp dịch vụ bốc dỡ hàng hóa tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất cho Qatar Airways bắt đầu từ tháng 2/2024. Đây là khách hàng lớn, dự kiến chiếm 25% sản lượng SCS trong năm 2024.
Theo SSI, hợp đồng này sẽ thúc đẩy thị phần của SCS từ mức 35% lên gần 50%, từ đó, đem lại tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận. Theo ước tính ban đầu, hợp đồng này sẽ đóng góp từ 25% đến 30% lợi nhuận trước thuế trong năm nay. Công ty cũng cho biết, công ty đã đầu tư 3 triệu USD vào việc nâng cấp cơ sở vật chất để có thể phục vụ thêm khối lượng hàng hóa từ Quatar Airways.
Công ty Chứng khoán này cũng lưu ý rằng, căng thẳng ở Biển Đỏ vẫn chưa tác động tích cực đến khối lượng hàng hóa nhưng nếu kéo dài sang quý II và quý III thì sản lượng hàng hóa có thể được lợi khi vận tải hàng không thay thế cho vận tải container. Trong khi đó, sản lượng hàng hóa nội địa dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tự nhiên là 8% trong năm 2024.
SSI dự báo cơ cấu chi phí sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể trong năm 2024, nhưng phí nhượng quyền sẽ tăng nhẹ từ 1,5% lên 2% từ nửa cuối năm 2024. Tăng trưởng doanh thu thay vì được thúc đẩy nhờ sự gia tăng về sản lượng quốc tế, kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện đáng kể từ năm 2023 (từ 75,9% trong năm 2023 lên 79,1% trong năm 2024), dựa trên kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ hơn và tỷ trọng đóng góp của hàng hóa quốc tế cao hơn trong cơ cấu doanh thu. Ước tính hàng hóa quốc tế sẽ đóng góp 78% vào cơ cấu doanh thu trong năm 2024, từ mức 72% trong năm 2023.
“Theo đó, chúng tôi ước tính công ty sẽ đạt 916 tỷ đồng doanh thu, tăng 29,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 738 tỷ đồng, tăng 29,7% so với cùng kỳ, trong năm 2024", SSI nhận định. Đồng thời cho biết, SCS có kế hoạch mở rộng công suất tại Sân bay Quốc tế Long Thành. Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến là 700 tỷ đồng (khoảng 28,5 triệu USD), giai đoạn đầu tư sẽ bắt đầu vào năm 2026.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận