SCIC rao bán trọn lô 9% cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng với mức giá cao hơn 58% thị giá
Ngày 22/4 tới đây, SCIC sẽ đấu giá toàn bộ 45 triệu cổ phiếu HND, tương đương 9% vốn điều lệ CTCP Nhiệt điện Hải Phòng. Điều đáng chú ý, mức giá SCIC chào bán cao hơn mức thị giá của HND đến 58%.
Vào 14h30 ngày 22/4/2020 tới đây, TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ đấu giá 45 triệu cổ phiếu HND của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, tương đương 9% vốn điều lệ.
Mức giá SCIC đưa ra là không thấp hơn 26.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền dự thu lên đến 1.170 tỷ đồng. So với giá cổ phiếu HND chốt phiên 17/4, mức giá này cao hơn 58%. Cơ sở cho mức giá cao hơn nhiều so với thị giá có thể được giải thích bởi các lô lớn thường hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UpCom: HND) được thành lập năm 2002 với số vốn điều lệ ban đầu là 3.000 tỷ đồng.
Năm 2008, công ty tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng với mục đích đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2. Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2012, công ty mẹ - TCT Phát điện 2 được thành lập (EVNGENCO2).
Theo đó, HND là doanh nghiệp do EVNGENCO2 (100% thuộc sở hữu của EVN) nắm giữ 51% vốn điều lệ. Ngoài ra, còn 3 cổ đông nắm giữ trên 5% vốn điều lệ của HND gồm: CTCP Nhiệt điện Phả Lại (25,97%), SCIC (9%) và TCT Điện lực TKV (7,21%).
Trong những năm gần đây, kết quả kinh doanh của HND khá khả quan, lợi nhuận các năm 2017, 2018 đều lần lượt đạt 396 tỷ và 425 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2019, HND có doanh thu tăng vọt lên tới 11.301 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 1.173 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2018.
Theo BCTC quý I/2020 mới công bố, doanh thu thuần trong kỳ HND đạt 3.024 tỷ đồng tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt 393 tỷ đồng tăng 63%, biên lãi gộp HND tăng từ 9,8% lên 13%.
Cũng trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của HND đạt 10,6 tỷ đồng tuy nhiên chi phí của hoạt động này lại tăng 62% lên 168 tỷ đồng, trong đó, lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 88,3 tỷ, chi phí QLDN giảm 39% xuống còn 24,6 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2020 của Nhiệt điện Hải Phòng vẫn lên đến 200 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ 2019.
Tới cuối năm 2019, tổng tài sản của HND đang ở mức 12.663 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng do khấu hao bớt tài sản cố định. CTCP Nhiệt điện Hải Phòng cũng đã trả dần bớt nợ vay ngắn và dài hạn, từ 7.252 tỷ đồng còn 5.397 tỷ đồng. Trong đó, hơn 90% các khoản nợ là vay bằng ngoại tệ do vay lại từ Tập đoàn Điện lực (EVN).
HND đang làm chủ đầu tư của hai nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2, đều thuộc top các nhà máy nhiệt điện đốt than lớn nhất trong hệ thống năng lượng Việt Nam với công suất thiết kế là 7,2 tỷ kWh điện hàng năm. Ngoài ra, HND còn quản lý và sử dụng nhiều khu đất có diện tích lên tới hàng triệu m2 tại Hải Phòng, tất cả đều là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận