SCB sụt giảm lợi nhuận sau soát xét, nợ xấu tại VAMC tiếp tục tăng
Nợ xấu tại VAMC của SCB tiếp tục tăng lên trong kỳ, từ 26.658 tỷ đồng đầu năm đã tăng lên 34.720 tỷ đồng vào cuối quý 2...
Cụ thể, trong kỳ 6 tháng 2019, thu nhập lãi thuần của SCB chỉ đạt 265,9 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ sự tăng trưởng mạnh ở các mảng thu nhập ngoài lãi giúp lợi nhuận thuần của ngân hàng tăng mạnh hơn so với nửa đầu năm trước.
Tuy vậy, sau soát xét, một số chỉ tiêu liên quan đến hoạt động ngoài lãi của ngân hàng được điều chỉnh. Cụ thể, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư được giảm từ 293,4 tỷ đồng trước soát xét xuống còn 282,5 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 10 tỷ đồng trong khi lãi thuần từ hoạt động khác điều chỉnh tăng thêm 7 tỷ đồng lên 807 tỷ đồng.
Các khoản mục chi phí cũng có nhiều thay đổi. Trong khi chi phí hoạt động được tăng thêm 2 tỷ đồng thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh sau soát xét, từ 293,6 tỷ đồng lên 328,5 tỷ đồng, tương đương tăng 35 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm về lợi nhuận của SCB sau soát xét.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng sau soát xét còn 139,2 tỷ đồng, giảm 22%, lợi nhuận sau thuế đạt 108,3 tỷ đồng, giảm 29% so với so với báo cáo tự lập.
Tổng tài sản SCB tính đến 30/6/2019 đạt 538.614 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 319.763 tỷ đồng trong 6 tháng, tương đương tăng trưởng 5,8% so với đầu năm. Dự phòng rủi ro cho vay ở mức 3.024 tỷ đồng.
Nợ xấu tính đến cuối kỳ ở mức 3.012 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.266 tỷ đồng hồi đầu năm, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng vọt từ 139,6 tỷ đồng lên 1.855 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của SCB dù ở mức thấp nhưng cũng đã tăng từ 0,42% đầu năm lên 0,94% giữa kỳ.
Đáng chú ý, số dư trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành dùng để mua các khoản nợ xấ của ngân hàng tiếp tục tăng lên trong kỳ, từ 26.658 tỷ đồng đầu năm đã tăng lên 34.720 tỷ đồng vào cuối quý 2 vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận