Sau soát xét, lợi nhuận của ABBank và SeABank đều giảm vì đâu?
Cả ABBank và SeABank đều phải điều chỉnh khoản mục chi phí thuế tăng lên khiến lãi ròng sụt giảm sau soát xét.
ABBank lãi ròng sụt giảm 17% vì chi phí thuế sau soát xét tăng vọt
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019.
Theo báo cáo kiểm toán hợp nhất bán niên 2019, ABBank có thu nhập lãi thuần luỹ kế không thay đổi và ở mức 1.288 tỷ đồng.
Khoản mục thay đổi sau soát xét gồm: lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư, tăng 24 tỷ đồng từ mức 153 tỷ đồng trước soát xét lên 177 tỷ đồng sau soát xét.
Tổng thu nhập hoạt động trước soát xét là 1.613 tỷ đồng, sau soát xét lên 1.639 tỷ đồng, tăng 29 tỷ đồng. Tổng chi phí không thay đổi khiến cho lợi nhuận thuần trước dự phòng tăng 25 tỷ đổng lên 841 tỷ đồng sau soát xét.
Số tiền 25 tỷ đồng tăng lên này được đưa vào trích lập dự phòng khiến khoản mục này tăng lên 25 tỷ đồng và ở mức 290 tỷ đồng sau soát xét, giúp cho lợi nhuận trước thuế không đổi và ở mức 550 tỷ đồng.
Khoản mục chi phí thuế hiện hành tăng vọt từ mức 25 tỷ đồng trước soát xét lên 114 tỷ đồng sau soát xét. Do đó, lợi nhuận sau thuế giảm 89 tỷ đồng (-17%) từ mức 525 tỷ đồng còn 436 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo hợp nhất bán niên 2019 đã kiểm toán của ABBank, ngân hàng và các công ty con có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% trên tổng lợi nhuận chịu thuế trong kỳ hiện hành. Thu nhập doanh nghiệp hiện hành phải trả được xác định dựa trên thu nhập chịu thuế của kỳ hiện tại. Do đó, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ theo thuế suất 20% là 114,47 tỷ đồng, gồm: 110 tỷ đồng áp dụng cho ngân hàng và các công ty con, 4,33 tỷ đồng là chi phí không được trừ.
Thuyết minh phần chi phí thuế của ABBank - Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên 2019 sau soát xét.
Cũng theo báo cáo hợp nhất bán niên 2019 sau soát xét, cho vay khách hàng nửa đầu năm 2019 của ABBank âm 5%, ở mức 49.564 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2019, ABBank dự kiến tăng trưởng tín dụng 10%, trong đó cho vay khách hàng dự kiến hơn 61.323 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tổng nợ xấu của ABBank hơn 1.128 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 2,27%, tăng so với tỷ lệ 1,89% cuối năm 2018.
SeABank lãi ròng giảm 15% sau soát xét vì phải trả thêm thuế 56 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019 của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), SeABank có các chỉ tiêu về hoạt động kinh doanh không thay đổi so với sau soát xét của kiểm toán.
Tuy nhiên, phần lãi ròng của ngân hàng này giảm tới 56 tỷ đồng, tương ứng giảm 15% từ mức 377 tỷ đồng trước soát xét còn 321 tỷ đồng sau soát xét.
Phần chênh lệch 56 tỷ đồng do phần kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ thiếu hụt 56 tỷ đồng và được điều chỉnh tăng lên mức 88 tỷ đồng so với mức 32 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó.
Về các khoản mục sau soát xét không thay đổi so với báo cáo tài chính tự lập, gồm: thu nhập lãi thuần đạt hơn 1.424 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 149 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận 61 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 369 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 96 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư 21 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động không đổi và ở mức 932 tỷ đồng. Trích lập dự phòng rủi ro không đổi ở mức 322 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 409 tỷ đồng.
Lưu ý, đối với cả 2 báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 sau soát xét của ABBank và SeABank, các kiểm toán viên đều không đưa ra ý kiến kiểm toán vì:“Một cuộc soát xét về cơ bản có phạm vi hẹp hơn một cuộc kiểm toán được thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và do vậy không cho phép chúng tôi đạt được sự đảm bảo rằng chúng tôi sẽ nhận biết được tất cả các vấn đề trọng yếu có thể được phát hiện trong một cuộc kiểm toán”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận