menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Như

“Sau hoảng loạn nhà đầu tư sẽ bình tâm, yếu tố tích cực cuối năm nhiều hơn”

Trong bối cảnh này vẫn có những nhà đầu tư, các quỹ đầu tư trung, dài hạn chấp nhận đây là thời điểm mua vào với giá tốt.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cao cấp CTCK KIS Việt Nam đưa ra cái nhìn lạc quan khi chia sẻ với BizLIVE đánh giá tác động của thương chiến Mỹ - Trung, bức tranh thị trường chứng khoán Việt cuối năm.

Nhìn nhận của ông về tác động cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ở giai đoạn hiện nay với thị trường chứng khoán?

Thứ nhất cuộc chiến đang có dấu hiệu ngày càng căng thẳng hơn bằng cách đánh thuế trả đũa qua lại, khả năng không dừng lại ở cuộc chiến thương mại mà còn là cuộc chiến tranh tiền tệ.

Chiến tranh tiền tệ là gì? Là khi mà Trung Quốc phản ứng lại, buộc phá giá đồng nội tệ để tạo sức cạnh tranh và bù đắp tiền thuế phải đóng nhiều hơn. Khi Trung Quốc hạ giá tiền nội tệ của họ thì những nước xung quanh có thị trường xuất khẩu như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… thậm chí Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chịu áp lực phải hạ giá đồng tiền của mình để bảo hộ hàng hóa. Nó tạo thành một cuộc chiến tiền tệ ngầm. Việt Nam không có thị trường ngoại hối nhưng các quốc gia khác có dẫn đến các quốc gia họ phá giá đồng tiền mà các quỹ đầu cơ họ cũng tham gia vào và làm cho thị trường rối loạn hơn bởi hoạt động mua bán các đồng tiền các quốc gia. Theo đó giới tài chính lo ngại điều này.

Thực tế cho thấy có hiện tượng rời bỏ tài sản rủi ro và hướng đến các tài sản có tính phòng thủ như vàng. Khi rời bỏ tài sản rủi ro thì giới đầu tư bán cổ phiếu là chính, dẫn tới thị trường toàn cầu bán theo và giảm. Việt Nam theo đó ảnh hưởng, đầu tiên là tâm lý. Các NĐTNN ở VN cũng có khuynh hướng phản ứng bán rút tiền về và mua vàng hoặc tạm tránh cơn bão này bằng cách giảm tỷ trọng trong các danh mục. Cung tăng đột biến, mà nước ngoài bán dứt khoát mà cầu trong nước không tăng kịp. Chưa nói giới trong nước cũng lo lắng, theo đó giá cổ phiếu trong nước giảm.

Trong bối cảnh này ông nhìn thấy có điểm nào tích cực, nhóm cổ phiếu nào được hưởng lợi?

Trong tiêu cực vẫn có tích cực. Thị trường toàn cầu nói chung và Việt Nam sẽ đan xen tăng giảm.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tuyên bố hai bên đưa ra căng thẳng hơn thì thị trường phản ứng bán ra nhưng có thể thấy không tạo làn sóng bán tháo. Vì ai cũng hiểu chỉ cần cuộc chiến này xuống thang bớt chứ không cần hết đã là tích cực. Cho dù nhà đầu tư bán cũng bán cầm chừng. Do đó, nếu có tin tích cực đan xen như hai bên chịu ngồi vào bàn đàm phán, gia hạn thêm thời gian đánh thuế… sẽ giúp cho thị trường tăng trở lại.

Những nhóm ngành được hưởng lợi từ cuộc chiến trên, tôi đánh giá có ngành bất động sản khu công nghiệp. Vì làn sóng tháo chạy tại Trung Quốc dù hòa hoãn chiến tranh thương mại thì người ta cũng e ngại, biết đâu lại tiếp diễn, và để tránh rủi ro họ sẽ đi tìm quốc gia mới. Việt Nam chắc chắn được hưởng lợi vì là quốc gia được để ý nhiều nhất.

Thứ hai là những ngành liên quan xuất khẩu. Vì Mỹ không mua hàng của Trung Quốc hoặc mua đánh thuế quá cao theo đó các nhà nhập khẩu của Mỹ tìm kiếm những nhà cung cấp khác có giá hợp lý trong đó có Việt Nam. Đó có thể kể đến các ngành như giày da, may mặc, thủy hải sản, nông lâm nghiệp… Thứ ba là ngành logistic. Tuy nhiên, vận tải biển chưa có nhiều doanh nghiệp đủ mạnh, hiện chỉ có GMD nhưng chưa có sự đại diện rõ ràng và tạo hiệu ứng như các ngành khác.

Trong bối cảnh này vẫn có những nhà đầu tư chân chính, các quỹ đầu tư trung, dài hạn chấp nhận đây là thời điểm mua vào với giá tốt. Những bluechip có cổ tức cao, có chiến lược phát triển tốt trong tương lai sẽ có được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Ông có đánh giá gì về bức tranh thị trường chứng khoán Việt cuối năm?

Theo tôi hướng tích cực cuối năm cao hơn. Lý do trả đũa lẫn nhau cũng xong. Nếu có thì có Mỹ tăng thêm tỷ lệ thuế, ví dụ đang áp 15% tăng lên 20%, 20% lên 25%; con số Mỹ áp tăng thuế 550 tỷ USD đã tuyên bố không còn úp mở nữa, Trung Quốc cũng cũng tuyên bố đánh thuế 75 tỷ USD. Tức là, nếu có tin tiêu cực thì sẽ là tin tiêu cực nhẹ chứ không còn nặng như hiện nay.

Nhưng yếu tố tích cực cuối năm lại nhiều hơn. Ở trong nước, các doanh nghiệp luôn có báo cáo kết quả kinh doanh tốt đều thể hiện vào cuối năm, thường về đích hoặc vượt kế hoạch. Với thông tin tích cực thì dòng tiền lại quan tâm vào. Có thể tin thế giới còn chưa tốt nhưng như tôi đề cập tới một lúc nào đó thông tin xấu liên tục khiến giới đầu tư bình tĩnh hơn. Chưa kể trong tin xấu giữa Trung Quốc và Mỹ thực ra Việt Nam cũng hưởng lợi chứ không phải xấu đều.

Sau khoảng thời gian hoảng loạn nhà đầu tư sẽ bình tâm và mua vào vào cuối năm. Nền kinh tế Việt Nam với các chỉ số GDP tăng tốt, lãi suất ổn định, tỷ giá kiểm soát khá ổn trong bối cảnh phức tạp… thì thị trường sẽ có những phiên tăng chứ không chỉ giảm không.

Nếu cuộc chiến có dấu hiệu xuống thang VN-Index dao động trên dưới 1.000 điểm, mà mốc 1.050 điểm là có khả năng cao. Nếu hai bên trả đũa lẫn nhau căng thẳng hơn VN-Index sẽ trên dưới 950 điểm.

Cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại