Sau chuyến thăm của bà Pelosi, Bắc Kinh nổi giận, Đài Loan (Trung Quốc) hứng đòn?
Đài Loan, Bắc Kinh, Trung Quốc, Pelosi, tập trận, cấm xuất nhập khẩu
Ngay sau khi bà Pelosi đặt chân lên đảo Đài Loan (Trung Quốc), một loạt cơ quan chính phủ và Chính phủ Trung Quốc lên án chuyến thăm và cảnh báo về "tác động nghiêm trọng" của nó đối với quan hệ Mỹ-Trung. Quân đội Trung Quốc thông báo họ sẽ ngay lập tức phát động "các cuộc tập trận trên không và trên biển" và đưa ra kế hoạch cho các đợt diễn tập quân sự xung quanh đảo Đài Loan từ ngày 4-7/8.
Chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Pelosi, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lập pháp hàng đầu của Mỹ trong 25 năm qua và là một phần của chuyến công du châu Á, bị Trung Quốc coi là "hành động khiêu khích chính trị lớn" và thách thức chủ quyền của nước này.
Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, bà Pelosi và phái đoàn Hạ viện Mỹ đã tham gia một loạt cuộc họp cấp cao tại Viện Lập pháp Đài Loan (Trung Quốc) và tại văn phòng của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại thành phố Đài Bắc. Bà Pelosi nói rằng phái đoàn của bà đến để gửi một "thông điệp rõ ràng" rằng "Mỹ đứng cùng với Đài Loan”, không bỏ rơi hòn đảo này.
"Chúng tôi muốn Đài Loan luôn có tự do với an ninh”, bà Pelosi nói và ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Đài Loan (Trung Quốc) trong việc duy trì dân chủ.
Việc bà Pelosi bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh để đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ Mỹ-Trung đang gặp rắc rối, nhưng các nhà phân tích cho rằng bên có khả năng chịu sức ép của Bắc Kinh không phải là Washington, mà là Đài Bắc.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vẫy tay chào các nhà báo khi bà đến Viện Lập pháp Đài Loan (Trung Quốc) ngày 3/8. Ảnh: Getty Images. |
Tập trận bắn đạn thật
Quân đội Trung Quốc tuyên bố tập trận bắn đạn thật xung quanh đảo Đài Loan từ ngày 4-7/8, cấm tàu thuyền, máy bay đi vào khu vực diễn tập quân sự.
Một bản đồ chính thức chỉ ra vị trí của các cuộc tập trận cho thấy chúng ở gần hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc) hơn các cuộc tập trận trước đó. Các nhà phân tích cho rằng điều đó cho thấy đây là một sự leo thang từ các mối đe dọa trước đây do Bắc Kinh tận dụng để chống lại hòn đảo này.
Binh sĩ Trung Quốc tập trận. Ảnh: Kyodo/WeChat. |
Bản đồ cho thấy các cuộc tập trận bao vây hòn đảo toàn diện hơn so với các đợt diễn tập quân sự trước đó, bao gồm các khu vực diễn tập quân sự và khu vực bắn tên lửa trong cuộc khủng hoảng lớn ở eo biển Đài Loan vào giữa những năm 1990.
Với những cuộc tập trận này, Trung Quốc đã "đi xa hơn rất nhiều so với trước đây", ông Carl Schuster, cựu đại úy Hải quân Mỹ, nói. Ông Schuster là cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.
Ông Schuster nói: “Tín hiệu địa chính trị được gửi đi là Trung Quốc có thể đóng cửa đường biển và đường hàng không của Đài Loan bất cứ khi nào họ muốn”.
6 khu vực tập trận của Trung Quốc nằm xung quanh đảo Đài Loan. Đồ họa: CNA (nguồn Xinhua/Google Maps). |
Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) trong một cuộc họp báo hôm 3/8 đã gọi kế hoạch tập trận của Bắc Kinh tương đương một “vụ phong tỏa hàng hải và trên không” và việc này “đe dọa đường thủy quốc tế, thách thức trật tự quốc tế, phá hoại nguyên trạng hai bờ eo biển và gây nguy hiểm cho an ninh khu vực”.
Tuy nhiên, các cuộc tập trận cuối cùng có ý nghĩa như thế nào phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra trong những ngày tới, theo nhà khoa học chính trị Chong Ja Ian thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Ông Chong cho rằng, hình ảnh của Trung Quốc ở trong và ngoài nước đang bị đe dọa.
"Bắc Kinh không muốn leo thang mọi thứ theo cách mà họ không thể kiểm soát. Đồng thời, họ không thể gửi một tín hiệu có vẻ quá yếu", ông Chong nói. Ông lưu ý rằng điều này sẽ có những ảnh hưởng trong nước đối với Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và có thể ảnh hưởng đến khả năng của Bắc Kinh "khiến các quốc gia khác trong khu vực tuân theo đường lối của mình”.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sáng 3/8 tại Đài Bắc. Ảnh: Getty Images. |
Mất mặt
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc đưa ra phản ứng, sự hiện diện của bà Pelosi ở Đài Bắc và lịch trình cuộc họp cấp cao của bà hôm 3/8 đánh dấu một bước lùi đáng kể đối với Bắc Kinh, vốn đã nhiều ngày tìm cách ngăn cản chuyến đi của bà bằng những lời đe dọa trả đũa và cảnh báo về việc vượt qua "lằn ranh đỏ", giới phân tích nhận định.
Và nỗi thất vọng về sự thất bại của những lời đe dọa đó có thể thấy rõ trong một số giới ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Hồ Tích Tiến, một chuyên gia chính trị, cựu tổng biên tập báo Trung Quốc Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo), người đã cảnh báo về sự trả đũa của quân đội Trung Quốc đối với Mỹ trước chuyến đi của bà Pelosi, đã cố gắng kiềm chế sự bất mãn của mình.
"Bà Pelosi đã hạ cánh ở Đài Loan (Trung Quốc), điều này tất nhiên phản ánh rằng sức mạnh ngăn chặn của chúng tôi không đủ để ngăn chặn cuộc tấn công sớm của bà ấy", ông Hồ Tích Tiến viết trong một bài đăng trên tài khoản Weibo của ông hôm 4/8. "Nhưng nếu bạn đang rất thất vọng vì điều này, nghĩ rằng chúng ta đã 'thua cuộc' và gặp phải 'sự sỉ nhục quốc gia' mới thì hơi cường điệu. Một số cá nhân có thể nghĩ như vậy, nhưng chúng ta không được để bị tổn thương tập thể như vậy”, ông viết.
|
Chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với Trung Quốc khi ông Tập Cập Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, được dự đoán có được nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra vào mùa thu này. Các nhà phân tích nhận định, điều đó đã làm tăng nguy cơ Trung Quốc không thuyết phục được bà Pelosi không thăm đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Bà Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định: "Người Trung Quốc đã cố gắng múa kiếm và chiến tranh hùng biện để ngăn chặn chuyến đi của bà Pelosi, và họ đã đi quá đà với những lời đe dọa của mình". Những lời đại ngôn của phía Trung Quốc bao gồm các hành động tiềm tàng như lập vùng cấm bay, thậm chí chặn máy bay chờ bà Pelosi, bà Yun nói.
"Bây giờ bà Pelosi quyết định đến thăm (Đài Loan) và điều đó khiến người Trung Quốc bị hớ”, bà nhận định. Điều này cho thấy "khá nhiều vấn đề" trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, "mà họ nghĩ rằng múa kiếm là đủ để đạt được những gì họ muốn, nhưng cái giá phải trả là sự tín nhiệm trong tương lai của họ", bà nói.
Và trong khi tình hình khó có thể ảnh hưởng đến việc ông Tập bước sang nhiệm kỳ thứ ba, chuyến thăm của bà Pelosi (đặc biệt là sau cuộc gọi của ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên "đùa với lửa" về vấn đề Đài Loan), là “một nỗi xấu hổ lớn” đối với Bắc Kinh, bà Sun nhận định.
Một máy bay trực thăng và một tàu ngầm tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật của Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 26/7. Ảnh: CNN. |
Đài Loan hứng đòn?
Nhưng trong khi sự tức giận của Bắc Kinh nhắm vào Chủ tịch Hạ viện Mỹ, người mà các quan chức Trung Quốc cáo buộc là "cố ý và ác ý" kích động "khủng hoảng", nhiều nhà phân tích cho rằng Đài Loan (Trung Quốc) có thể cảm nhận được gánh nặng của cơn thịnh nộ.
Theo sau các cuộc tập trận được lên kế hoạch nhằm "siết chặt Đài Loan" có thể là các hành động mới ở eo biển Đài Loan, bà Yun dự đoán.
"Chuyến thăm của bà Pelosi thực sự sẽ dẫn đến một sự leo thang mới của việc quân đội Trung Quốc ép bức Đài Loan trong tương lai gần. Sự trừng phạt đó là chìa khóa của phản ứng Trung Quốc vào thời điểm này, bởi vì họ không thể trừng phạt Mỹ", bà nói.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng sẽ phải chịu hình phạt kinh tế. Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc hôm 3/4 thông báo đình chỉ nhập khẩu một số loại trái cây có múi và hải sản từ hòn đảo này. Hải quan Trung Quốc nói rằng việc đình là do lo ngại về vấn đề vệ sinh, nhưng đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cấm các sản phẩm của Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 3/8 cũng thông báo họ sẽ ngay lập tức đình chỉ xuất khẩu cát tự nhiên sang Đài Loan (Trung Quốc), một thành phần quan trọng để sản xuất chip bán dẫn.
Và trước kế hoạch tập trận của Trung Quốc, Cục Hàng hải và Cảng Đài Loan (Trung Quốc) đã đưa ra ba thông báo, yêu cầu các tàu sử dụng các tuyến đường thay thế cho bảy cảng xung quanh hòn đảo.
Trung Quốc gần đây liên tục tập trận gần đảo Đài Loan. Ảnh: Xinhua/AP. |
Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu đàm phán với Nhật Bản và Philippines để tìm các tuyến hàng không thay thế nhằm tránh các tàu thủy, máy bay của Trung Quốc.
Bà Pelosi rời hòn đảo chiều 3/8, để lại một Đài Loan (Trung Quốc) chịu nhiều áp lực hơn khi Trung Quốc trút cơn thịnh nộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận