Sắp khảo sát tiền lương, mức sống tối thiểu tại 18 tỉnh, thành phố
Khảo sát nhằm tìm hiểu việc doanh nghiệp đã điều chỉnh lương ra sao trong quý 1/2022, từ đó làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan, bắt đầu từ ngày 1/4/2022.
Theo kế hoạch, dự kiến việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển. Các doanh nghiệp được điều tra thuộc nhiều nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ.
Về quy mô lao động, doanh nghiệp được điều tra thuộc nhiều loại: Dưới 100 lao động, từ 100-300 lao động và trên 300 lao động.
Các nội dung chính được khảo sát ở doanh nghiệp là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, ăn ca, chi phí tuyển dụng đào tạo, quỹ công đoàn… Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng tìm hiểu mức tiền lương của một số chức danh, công việc của các chức danh quản lý, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phó phòng ban, lao động chuyên môn nghiệp vụ.
Dự kiến, 18 địa bàn sẽ được đồng loạt điều tra đợt này gồm: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.
Về tình hình thực hiện quy định về lương tối thiểu vùng, cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu việc doanh nghiệp đã điều chỉnh lương ra sao trong quý 1/2022, khi tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2021 không thay đổi. Cơ quan quản lý sẽ thống kê mức lương thấp nhất thực trả cho người lao động tại 4 vùng lương trong cả nước.
Qua hoạt động điều tra, khảo sát, cơ quan chức năng đồng thời tiếp thu những kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp về chính sách tiền lương tối thiểu có cần điều chỉnh trong năm 2022 hay không.
Trước đó, do tác động của dịch Covid-19, Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động.
Các chuyên gia cho rằng, nếu năm 2022 lương tối thiểu vùng tiếp tục không tăng thì đời sống của người lao động sẽ tiếp tục khó khăn sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mặt khác, nếu chờ đến năm 2023 mới tăng lương tối thiểu thì phải tính toán làm sao bù đắp được cho người lao động phần của các năm không tăng, song nếu mức tăng quá cao cũng sẽ vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Theo quy định tại Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Hiện nay, theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận