Sắp có thương vụ 61 tỷ USD trong ngành công nghệ
Hãng chip Broadcom cho biết sẽ mua lại công ty phần mềm VMware với giá 61 tỷ USD, trở thành thương vụ lớn thứ ba trong ngành công nghệ.
Mức giá này được tính dựa trên giá trị cổ phiếu của công ty ngày 25/5, và được trả bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Broadcom cũng sẽ chịu trách nhiệm cho khoản nợ 8 tỷ USD của VMware, theo thông báo hai công ty đưa ra hôm 26/5.
Đây là vụ mua bán lớn thứ ba trong lịch sử ngành công nghệ, sau thỏa thuận 69 tỷ USD giữa Microsoft và Activision Blizzard đầu năm nay, thương vụ Dell mua EMC giá 67 tỷ USD năm 2016.
Broadcom cho biết động thái mới nhằm giúp công ty có thể cung cấp một giải pháp tổng thể về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho khách hàng của mình. Sau khi hoàn tất, mảng phần mềm của hãng là Broadcom Software Group sẽ được đổi tên và hoạt động thống nhất dưới thương hiệu VMware.
"Sự kết hợp giữa tài sản và đội ngũ của chúng tôi với danh mục các phần mềm hiện có của Broadcom sẽ tạo một giải pháp doanh nghiệp đáng chú ý. Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều giá trị, sự đổi mới và lựa chọn hơn trong kỷ nguyên 'đa đám mây' ngày càng phức tạp như hiện nay", Raghu Raghuram, Giám đốc điều hành VMware, nói.
VMware nổi tiếng trong lĩnh vực điện toán đám mây và công nghệ ảo hóa. Theo báo cáo của Gartner, VMware là công ty lớn nhất trong thị trường phần mềm hạ tầng ảo hóa năm 2021, với 72% thị phần và 5,9 tỷ USD doanh thu. Công ty này hiện hoạt động độc lập, nhưng trước đây từng là một phần của Dell sau khi hãng này mua lại EMC - chủ sở hữu VMWare. Thương vụ của Broadcom được cho là có sự hậu thuẫn từ chính nhà sáng lập Michael Dell.
Trong khi đó, Broadcom là công ty chuyên kinh doanh chip, thiết kế và sản xuất chất bán dẫn cho modem, chip Wi-Fi và Bluetooth trên thiết bị di động. Hãng nổi tiếng với các thương vụ sáp nhập đình đám như vụ mua CA Technologies năm 2018 với giá 18,9 tỷ USD, mua Symantec năm 2019 với giá 10,7 tỷ USD.
Năm 2018, Broadcom từng có ý định mua lại Qualcomm với số tiền hơn 100 tỷ USD, nhưng bị các cơ quan quản lý Mỹ ngăn cản vì lo ngại an ninh quốc gia. Broadcom khi ấy có trụ sở chính tại Singapore, nhưng sau đó đã chuyển về Mỹ khi thương vụ trên bất thành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận