Sắp có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm, thủy sản?
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, ngành ngân hàng khẩn trương nghiên cứu gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp lâm sản và thủy sản trong tháng 5.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.
Theo thông báo, từ cuối năm 2022, đặc biệt là 3 tháng đầu năm nay, cùng với khó khăn chung của các ngành, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thuỷ sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ (khoảng 27-28%).
Tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh. Các thị trường xuất khẩu đều bị co hẹp trong khi hiện hai lĩnh vực này chiếm tới 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Do đó, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17 tỷ USD, thủy sản trên 10 tỷ USD, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.
Các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; hỗ trợ các hiệp hội tổ chức hiệu quả các hội chợ triển lãm về đồ gỗ, thuỷ sản, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi nhất là thị trường ngách.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu ngành lâm sản và thủy sản. |
Các bộ, ngành cần triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp; đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tiếp tục thúc đẩy phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu.
Bộ NN&PTNT cần xây dựng thí điểm một số mô hình về sản xuất giống, quản lý hiện đại, chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp; xây dựng cơ chế theo thẩm quyền khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong ngành lâm sản, thủy sản.
Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, ưu tiên doanh nghiệp thủy sản, lâm sản.
Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận