Sản xuất ô tô Việt Nam thua Thái Lan vì nhập khẩu linh kiện quá lớn
Ở Việt Nam vẫn cần nhập khẩu từ 80-85% linh kiện cho sản xuất xe ô tô trong nước, trong khi Thái Lan chỉ nhập khẩu 10%. Việt Nam chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp cung ứng tuyến dưới nhưng Thái Lan có hơn 3.000 doanh nghiệp.
Công nghiệp chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Công nghiệp chế tạo còn tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện ở dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký trong giai đoạn 2011-2020 tại Việt Nam.
Tại Hội thảo "Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo", do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) tổ chức chiều 7/3 tại Hà Nội, TS. Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, thời gian qua, Chính phủ và các địa phương cùng nhiều tổ chức đã có sự hỗ trợ cho ngành chế biến chế tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và kết nối các DN trong và ngoài nước.
Tuy nhiên theo bà Bình, hầu hết các DN cung cấp trong nước đang thiếu các công đoạn gia công để có cụm sản phẩm hoàn chỉnh nên chủ yếu sản xuất các linh kiện rời. Mặt khác, do nguồn tài chính và quản trị còn kém, họ gặp khó khi muốn tăng quy mô sản xuất hoặc thăng cấp từ nhà cung ứng cấp 2 lên cấp 1 cũng như đầu tư nâng cao năng lực...
Những lý do này khiến thời gian qua việc liên kết giữa các DN trong nước với khối FDI còn rất khiêm tốn. Qua khảo sát của VASI, các DN là nhà cung ứng luôn mong được giảm chi phí sản xuất thông qua tiếp cận tín dụng ưu đãi; quản trị tinh gọn hoặc được tiếp cận, đào tạo sản xuất với các tiêu chuẩn quốc tế, quy trình quản lý, năng lực thương mại và kết nối với nhau. Ngoài ra, bản thân các DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng muốn tăng quy mô thông qua đầu tư đổi mới công nghệ, nhà xưởng và liên kết cụm DN để sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh.
“Để giúp DN Việt Nam tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các FDI, nhà nước cần hỗ trợ họ nâng cao năng lực thông qua các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, đầu tư vào sản xuất điện tử. Nhà nước vẫn chưa có chiến lược cùng các cơ chế chính sách cụ thể cho lĩnh vực điện tử, trong khi đó, điện tử là vấn đề của tương lai. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích DN FDI nội địa hóa bằng các chính sách về thuế, lao động, ưu tiên thu hút các FDI có định hướng rõ ràng về nội địa hóa”, bà Trương Chí Bình khuyến nghị.
Chỉ rõ hạn chế về số lượng các nhà cung cấp tại Việt Nam, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh và đối ngoại, Công ty Toyota Motor VietNam (TMV) cho rằng, sản lượng sản xuất tính trên mỗi mẫu xe tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia nên rất khó để nội địa hóa do thiếu quy mô sản xuất tập trung. Hiện ở Việt Nam chỉ có khoảng 300 DN cung ứng tuyến dưới, trong khi Thái Lan là hơn 3.000 DN.
Ở Việt Nam vẫn cần nhập khẩu từ 80-85% linh kiện cho sản xuất xe ô tô trong nước, trong khi Thái Lan chỉ nhập khẩu 10%. “Việt Nam đang yếu ở ngành công nghiệp nguyên vật liệu (thép, nhựa), trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao, quy mô thị trường nhỏ... những yếu tố này khiến chi phí sản xuất linh kiện tăng cao”, ông Hiếu nêu hạn chế.
Cam kết hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết, TMV đã tăng cường nội địa hóa bằng cách thiết lập Phòng Phát triển nhà cung cấp và làm việc cùng nhau, để từng bước phát triển năng lực của họ.
“TMV phát triển năng lực cho nhà cung cấp từ cơ sở nền tảng đến kỹ năng và hiệu suất trong công việc, giúp họ áp dụng thành công các hoạt động 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng) để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn và cải thiện hiệu suất. Áp dụng "dòng chảy sản xuất" đối với các nhà cung cấp linh kiện dập để cải thiện sơ đồ các vị trí xưởng dập... Kết quả là năm 2010, TMV chỉ có 13 nhà cung cấp thì đến 2020 đã có 46 nhà cung cấp; trong đó 6 nhà cung cấp thuần Việt”, ông Hiếu thông tin.
Từ kinh nghiệm phát triển các nhà cung cấp nội địa tại Indonesia, ông Harsono, Phòng Quan hệ đối ngoại - Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp chế tạo ô tô Indonesia cho hay, hàng năm, các đơn vị sẽ có kế hoạch đào tạo chuyên gia từ sơ cấp, cao cấp đến cấp quốc gia. Các chuyên gia này sẽ tới từng DN giúp họ phát triển, cải thiện hệ thống, chất lượng sản xuất từ cấp thấp lên cao.
“Indonesia xây dựng bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia cho sản xuất tinh gọn. Chương trình đào tạo được chia theo từng cấp độ từ 0 – 5, trong đó, cấp độ tối thiểu để cung ứng cho ô tô là cấp độ 3 quy định sản xuất ổn định với những tiêu chuẩn kèm theo. Với cách phân cấp này, các DN sẽ biết mình đang đứng ở đâu để có tiến trình từng bước nâng cao năng lực”, ông Harsono chia sẻ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận