Sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hay sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và kiềm chế tốt sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Khi đầu tư tư nhân đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt vào các dự án hạ tầng lớn và sử dụng các gói cứu trợ phù hợp để kích thích nền kinh tế phục hồi nhanh, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ cùng đồng hành, sát cánh với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bởi vậy, Việt Nam tiếp tục được coi là điểm đến đầu tư an toàn và đang đứng trước cơ hội lớn để tranh thủ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, thực hiện hiệu quả định hướng nâng cao chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Dự báo, thời gian tới, nhiều nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước bao gồm các nhà sản xuất, cung ứng và cung cấp dịch vụ hậu cần, kho bãi... sẽ tham gia hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy cả nguồn cung và nguồn cầu trên thị trường bất động sản công nghiệp...
ĐIỂM SÁNG TRÊN BẢN ĐỒ THU HÚT ĐẦU TƯ
Ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ và khó đoán định trong những năm gần đây do tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, do các yếu tố địa chính trị trên thế giới và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Báo cáo đầu tư toàn cầu 2020 của Liên hợp quốc công bố giữa năm nay đã đưa ra dự báo, đại dịch Covid-19 có thể làm dòng vốn này giảm tới 40% trong năm 2020 từ mức 1,54 ngàn tỷ USD ghi nhận được vào năm 2019 và có thể giảm tiếp 5-10% vào năm 2021.
Đại dịch đã gây ra cú sốc chưa từng có đối với tất cả các mặt cung, cầu và chính sách về đầu tư nước ngoài, làm trì hoãn tiến độ thực hiện các dự án. Triển vọng phục hồi dòng vốn đầu tư toàn cầu hầu như trông chờ vào diễn tiến của dịch bệnh cũng như tính hiệu quả của các chính sách được thực thi bởi các chính phủ nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính dòng vốn đầu tư chảy mạnh từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và trong nội khối ASEAN được cho là nguyên nhân của hiện tượng tích cực này. Việc dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn có nguyên nhân quan trọng từ những hành động rất hiệu quả của Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế.
Một đặc trưng hấp dẫn nữa của môi trường đầu tư tại Việt Nam là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn được đánh giá cao ở nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng.
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, gần đây nhất là EVFTA, cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Nhờ sự đóng góp từ các hiệp định này, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh dù giao thương quốc tế vẫn còn bị ngắt quãng; dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục, trái ngược với thực trạng của nhiều nền kinh tế đang phát triển mà theo đánh giá của Liên hợp quốc là phải chịu tác động nặng nề của đại dịch bởi sự gắn chặt tăng trưởng với xuất khẩu và quá chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa.
Những rủi ro do sự phụ thuộc vào một số trung tâm cung ứng lớn, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy nhu cầu bức thiết của việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các địa điểm khác, trong đó Việt Nam được coi là một điểm đến ưu tiên của những doanh nghiệp hàng đầu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này đang đóng vai trò như một chất xúc tác trong cuộc đại tái cấu trúc hoạt động sản xuất toàn cầu theo hướng bền vững hơn và tranh thủ những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nhận thức thực tế đó, Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc cách mạng 4.0.
Cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, bao gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng, đủ điều kiện đón những "đại bàng lớn". Trong tương lai, có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
CẢI THIỆN HẠ TẦNG THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ
Ông John Campbell - Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam
Trong những năm tới, đặc biệt là năm 2021 và 2022, sự quan tâm trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tiếp tục đổ dồn vào nguồn cung và chiến lược "Trung Quốc + 1".
Xu hướng "Trung Quốc + 1" dẫn đến nhu cầu lớn hơn về địa điểm cho ngành công nghiệp. Các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm và Việt Nam đang đứng đầu so với nhiều nước khác ngoài Trung Quốc. Đây sẽ là trọng tâm lớn trong những năm tới. Về nguồn cung đất, Việt Nam đang có một số dự án hấp dẫn sẽ ra mắt vào năm tới, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc, sẽ giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài.
Vụ Quản lý các khu kinh tế (DEZM) công bố đã phê duyệt bản đồ quy hoạch tổng thể cho 561 dự án khu công nghiệp sắp tới với diện tích trên 201.000 ha. Trong số này 259 khu sử dụng 86.500 ha vẫn chưa được thành lập và chiếm 43,1% tổng diện tích mới. Trong 20 dự án tiêu biểu ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam 9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore.
Để thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp. Đồng thời, để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư vào giáo dục, công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc.
Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng và giao thông là một trong những vấn đề Việt Nam cần cản thiện hơn cả. So với các nước trong khu vực ASEAN, chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN ở tất cả các phân khúc. Đây là cơ hội rất lớn cho Chính phủ Việt Nam trong việc chú trọng cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã tạo ra nhiều ưu đãi tại các khu vực kinh tế trên khắp cả nước. Việt Nam có nhiều lợi thế hấp dẫn về mặt địa lý, dân số lao động, chi phí đất đai, chi phí lao động, chi phí vận hành cùng với những chính sách phù hợp, thu hút các nhà đầu tư. Chính phủ có thể lập kế hoạch tương lai đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng phát triển hơn, không chỉ bắt kịp Indonesia, Thái Lan và các nước khác trong Đông Nam Á mà còn cần vượt ra khỏi tiêu chuẩn chung.
TIỀM NĂNG LỚN NHƯNG DỄ THẤT BẠI
Bà Vũ Thị Thu Hằng - Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển TNI Holdings Việt Nam
Qua hơn 20 năm hoạt động, đến nay, TNI Holdings Vietnam hiện quản lý 11 khu công nghiệp trên tổng diện tích hơn 2.000 ha, trong đó tỷ lệ lấp đầy bình quân luôn đạt 85%. Trong kế hoạch phát triển, TNI Holdings Vietnam đặt mục tiêu đầu tư, khai thác thêm 5 khu công nghiệp mới tại các vị trí giao thương chiến lược với quy mô lên đến 1.500 ha.
Có thể thấy, phân khúc bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam đang cho thấy sức hấp dẫn rất lớn và đứng trước "thời cơ vàng" trong việc đón nhận nguồn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh có sự sắp xếp và điều tiết lại luồng đầu tư toàn cầu.
Là chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp tiên phong với 22 năm kinh nghiệm tại Việt Nam, chúng tôi đã có sự chuẩn bị chủ động, tích cực mọi nguồn lực, đánh giá rất kỹ các quỹ đất cho kế hoạch đầu tư mở rộng sắp tới nhằm đáp ứng yêu cầu linh hoạt và đa dạng của nhà đầu tư. Vị trí chiến lược gần cảng; sân bay hoặc các trục đường quốc lộ huyết mạch; môi trường pháp lý tại địa phương, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư và nguồn lao động nhân công dồi dào... là những yếu tố quyết định để chúng tôi cân nhắc tiến hành đầu tư vào các khu công nghiệp tiềm năng.
Thị trường bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam đang có sức hút rất lớn dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia khai thác tiềm năng và cơ hội từ thị trường này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp rất dễ thất bại nếu không khai thác được các khu công nghiệp hội tụ và đáp ứng được đầy đủ yếu tố về pháp lý hoàn thiện; vị trí chiến lược, thuận lợi trong giao thông, giao thương; cơ sở hạ tầng hoàn thiện với tiến độ và chất lượng tốt...
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải đảm bảo kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực thu hút đầu tư phát triển và vận hành khu công nghiệp; có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp; tiềm lực tài chính mạnh với chiến lược kinh doanh bài bản; am hiểu môi trường đầu tư trong và ngoài nước; kết nối mạng lưới dữ liệu khách hàng và đối tác uy tín trên quy mô toàn cầu...
TÙY BIẾN, LỢI THẾ CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
Ông Nguyễn Thành Phương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ
Trước làn sóng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid và căng thẳng thương mại quốc tế, Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Nhu cầu tìm quỹ đất để phát triển các cơ sở sản xuất, logistics của các tập đoàn, các công ty toàn cầu thúc đẩy ngành bất động sản công nghiệp phát triển. Đây là cơ hội của các doanh nghiệp tư nhân trong nước khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời là thách thức lớn do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI trong bối cảnh bình đẳng về các khung pháp lý đối với các thành phần kinh tế.
Như chúng ta đã biết, lợi thế của các doanh nghiệp FDI thường là có nguồn vốn dồi dào, có kinh nghiệm trong quy trình đầu tư, trong quản lý điều hành. Do đi trước nên các doanh nghiệp nước ngoài có thời gian để tích lũy những mối liên kết cộng sinh với nhiều tập đoàn kinh tế toàn cầu nên thuận lợi hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Theo tôi, chủ trương của Chính phủ xác định kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng nền kinh tế sẽ là cơ sở, là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp tư nhân vững tin trong đầu tư.
Còn về nguồn vốn, nếu chúng ta làm rõ tính khả thi, hiệu quả của dự án thì vấn đề tìm nguồn vốn không phải là bài toán khó, nhất là trong cơ chế tài chính thị trường hiện nay. Việc đi sau trong thị trường này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước rút được những bài học kinh nghiệm từ chính các doanh nghiệp nước ngoài đi trước, tiết kiệm thời gian, hạn chế những sai lầm trong quy hoạch, trong đầu tư và trong phát triển bền vững.
Ngay trong việc xây dựng hạ tầng bất động sản công nghiệp, sự hiểu rõ về văn hóa, lịch sử của dân tộc sẽ tìm ra sự đồng cảm, chia sẻ trong đàm phán, phối hợp với các đối tác, các nhà thầu trong nước. Từ đó sẽ tiết giảm tỷ suất đầu tư, từ đó hạ được giá thành sản phẩm.
Qua thực tế so sánh, cùng một khu vực, cùng một quy mô đầu tư thì giá thành 1 m2 hạ tầng tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ chỉ bằng khoảng 75-80% so với khu công nghiệp lân cận. Hiện giá thành đến với các nhà đầu tư thứ cấp tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ cũng rẻ hơn so với các khu công nghiệp lân cận khoảng 10-15%.
Bên cạnh đó, lợi thế là người bản địa sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư thứ cấp trong việc triển khai các thủ tục đầu tư, tìm, tuyển dụng nhân lực và các nhà cung cấp, các doanh nghiệp hỗ trợ... Đặc biệt, do qui mô của doanh nghiệp tư nhân rất gọn, quyền lực tập trung nên rất linh hoạt trong quản lý, điều hành cũng như trong đàm phán các hợp đồng thương mại.
Chính sự linh hoạt, "tùy biến" trong sử dụng nguồn lực, trong vận hành doanh nghiệp đã giúp nâng cao năng lực nội tại, tăng thêm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI
Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Shinec – Chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng
Để đánh giá hiệu quả của một nền kinh tế, bên cạnh những lợi ích về lợi nhuận thì việc ý thức và thay đổi tư duy để hướng đến phát triển hiệu quả, bền vững đã và đang là điều trăn trở của các doanh nhân, doanh nghiệp.
Tại các khu công nghiệp, việc giải bài toán xung đột giữa đảm bảo lợi ích kinh tế mà vẫn giữ gìn, bảo vệ môi trường đã ngày càng trở lên cấp bách, do các khu công nghiệp là nơi tập trung rất nhiều cơ sở, loại hình sản xuất. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu làm dự án các nhà đầu tư khu công nghiệp cần định hướng phát triển dự án theo hướng khu công nghiệp sinh thái để đáp ứng xu thế kinh tế tuần hoàn. Đây là con đường bắt buộc phải đi nếu doanh nghiệp muốn hội nhập kinh tế quốc tế.
Cụ thể, quy hoạch trong khu công nghiệp cần được thiết kế có thể tạo thành một chuỗi những hệ sinh thái hòa hợp với hệ sinh thái tự nhiên trên toàn cầu. Trong đó chú trọng giảm đến mức thấp nhất sự phát sinh chất thải và tăng đến mức tối đa khả năng tái sinh – tái sử dụng nguyên liệu và năng lượng. Bên cạnh đó, khi xây dựng khu công nghiệp sinh thái cần đạt các yêu cầu tương thích về loại hình công nghiệp theo nhu cầu nguyên vật liệu - năng lượng với sản phẩm - phế phẩm - chất thải tạo thành.
Muốn vậy, phải hình thành hệ sinh thái từ nhiều nhà máy hoạt động độc lập trong nội khu nhưng tự nguyện kết hợp với nhau với quan hệ cộng sinh. Xây dựng chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp trao đổi các loại sản phẩm phụ của nhau như: tái sinh, tái chế, tái sử dụng sản phẩm phụ tại nhà máy, với các nhà máy khác và theo hướng bảo toàn tài nguyên thiên nhiên, cùng xử lý chất thải tập trung... Đồng thời xây dựng mối liên kết công nghiệp với các khu vực lân cận (vùng nông nghiệp, khu dân cư,...) trong chu trình trao đổi vật chất (nguyên liệu, sản phẩm, phế phẩm, chất thải)...
Rõ ràng, nếu phát triển được khu kinh tế sinh thái không những bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài chính, giảm chi phí sản xuất, nguyên vật liệu, năng lượng, bảo hiểm đồng thời giảm gánh nặng trách nhiệm pháp lý về mặt môi trường... Ngoài ra còn giúp gia tăng thu nhập cho các nhà đầu tư thứ cấp nhờ giảm mức tiêu thụ nguyên liệu thô, giảm chi phí xử lý chất thải đồng thời có thêm thu nhập từ nguồn phế phẩm/phế liệu.
Tuy nhiên, để xây dựng thành công một khu công nghiệp sinh thái để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn thì những nỗ lực của nhà đầu tư là không đủ. Các nhà đầu tư đang rất cần sự đồng hành của Nhà nước trong việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, đặc biệt sớm xây dựng bộ công cụ chính xác và cốt lõi trong phát triển loại hình khu công nghiệp sinh thái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận