Sẵn sàng đề xuất 50.000 tỷ đồng cho ngành lâm - thủy sản
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết, nếu hết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, ông sẵn sàng đề xuất gói 45.000 tỷ, thậm chí 50.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm - thủy sản vượt qua khó khăn.
Có phòng giao dịch không biết gói hỗ trợ lâm - thủy sản
Chiều 12/4, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cùng lãnh đạo Báo Lao động đồng chủ trì Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm - thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD”, diễn ra tại TP Hải Phòng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết, một năm trước, tình hình lạm phát toàn cầu và xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn do sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu thụ của nhiều nước.
Trước tình hình này, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo và có 2 Nghị quyết và tổ chức hội nghị riêng với hiệp hội VASEP & Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam. Qua đó, làm tiền đề quan trọng để các Bộ, ngành giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề lớn cho doanh nghiệp và ngành hàng.
Toàn cảnh hội thảo. |
Nổi bật là, Chính phủ đã giao NHNN nghiên cứu gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm - thủy sản. Sau đó, không chỉ 3 lần giảm lãi suất điều hành, mà NHNN triển khai chương trình gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cho ngành lâm - thủy sản, tạo điểm nhấn tích cực, hỗ trợ cho sự phục hồi của các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, có những phòng giao dịch ngân hàng khi các đơn vị, doanh nghiệp đến, họ nói không biết đến gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng. Do đó, ông đề xuất các ngân hàng quán triệt mạnh mẽ tới toàn bộ các chi nhánh về gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lâm - thủy sản; xem xét thêm việc đơn giản và linh hoạt hơn về các yêu cầu thủ tục, hồ sơ và điều kiện vay để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn, trong đó tỷ lệ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. |
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - cho biết, đơn vị luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó ngành lâm - thủy sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.
Đơn cử như điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quy định chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn (hiện nay là 4%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có ngành lâm sản, thủy sản)…
Căn cứ tình hình thực tiễn, từ năm 2023 sang đầu năm nay, NHNN đã có nhiều văn bản, tổ chức các hội nghị, buổi làm việc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, cà phê, thuỷ sản, lâm sản; có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua tái cấp vốn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi của cá nhân vay vốn trong lĩnh vực này.
Sẵn sàng đề xuất Chính phủ thêm các gói hỗ trợ doanh nghiệp
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm - thủy sản, đại diện các ngân hàng, sở ngành liên quan đã phát biểu, trình bày các tham luận góp ý, đề xuất giải pháp đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt lĩnh vực chế biến, xuất khẩu lâm - thủy sản.
Kết luận tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN - đề nghị các ngân hàng thực hiện các chính sách cho vay, phải có thông báo cụ thể, hướng dẫn các điều kiện cho vay các gói 15.000 tỷ đồng và gói 30.000 tỷ đồng. Ông Tú yêu cầu các ngân hàng tăng thêm hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp, về tài sản thế chấp, ngân hàng phải xác định được dòng tiền của doanh nghiệp, vay để làm gì, bao giờ thu hồi vốn, bao giờ trả nợ vốn vay...
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. |
Trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với ngân hàng trước những nỗi lo về khả năng mất vốn... để giải quyết câu chuyện về tài sản thế chấp.
“Nếu hết 30.000 tỷ đồng, tôi sẵn sàng đề xuất 45.000 tỷ đồng, thậm chí 50.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay. Thế mạnh của chúng ta là một đất nước nông nghiệp, thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa, phải phát huy thế mạnh, tăng cường tính cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Đào Minh Tú nói.
Nguyễn Hoàn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận