Saigonbank sao “không chịu lớn”?
Các cổ đông lớn không thoái được vốn, trong khi cũng không thể rót thêm tiền, khiến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) không tăng được vốn điều lệ và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Sau một quý 2 rất đáng thất vọng, các cổ đông của Saigonbank đang nín thở chờ đợi kết quả kinh doanh quý 3 để xem liệu nhà băng này có thêm một lần lỗi hẹn khi không thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận như mấy năm gần đây hay không.
Chuột con… cũng không dễ bắt
Hoạt động kinh doanh của Saigonbank trong mấy năm gần đây không khỏi khiến các cổ đông thất vọng khi chỉ hoàn thành ở mức rất thấp kế hoạch lợi nhuận năm. Đơn cử năm 2017, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 270 tỷ đồng, song chỉ đạt 71 tỷ đồng, hoàn thành 26% kế hoạch năm. Năm 2018, Saigonbank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, song cũng chỉ đạt vỏn vẹn hơn 52,5 tỷ đồng, chỉ hoàn thành khoảng 35% kế hoạch năm.
Bước sang năm 2019, Saigonbank tiếp tục đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 175 tỷ đồng. Mặc dù con số lợi nhuận trên là khá nhỏ so với nhiều ngân hàng khác, song với Saigonbank, mục tiêu này cũng là một thách thức lớn khi tăng tới 233% so với con số thực hiện của năm 2018.
52,5 tỷ đồng là tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Saigonbank, chỉ hoàn thành được khoảng 35% kế hoạch năm.
Khó khăn lại càng lớn hơn khi lộ trình thực hiện Basel II đang đến gần, và NHNN lại đang có xu hướng siết chặt hơn tăng trưởng tín dụng. Ngay cả giới chuyên gia tài chính cũng không khỏi ngạc nhiên với mục tiêu lợi nhuận quá cao này của Saigonbank, nhất là khi ngân hàng này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 10% trong năm 2019 lên 22.440 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay cũng chỉ tăng 10% lên khoảng 15.150 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2019, Saigonbank có tổng tài sản hơn 21.291,5 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng nhẹ 4% so đầu năm, đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Trong khi tổng nợ xấu tăng thêm khoảng 6%, ghi nhận trên 318,7 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng nhẹ từ 2,20% hồi đầu năm này lên 2,25%.
Nếu cứ duy trì tốc độ này, nhiều khả năng Saigonbank sẽ tiếp tục có thêm một năm lỗi hẹn với các cổ động về mục tiêu lợi nhuận.
Khó khăn chồng chất
Thực trạng của Saigonbank hiện nay không khỏi khiến người ta ngạc nhiên khi đây là ngân hàng cổ phần đầu tiên được thành lập trong hệ thống ngân hàng cổ phần tại Việt Nam. Thế nhưng, trải qua 32 năm hoạt động, ngân hàng này hiện vẫn đang nằm ở top cuối trong hệ thống ngân hàng về quy mô cũng như hiệu quả kinh doanh. Hiện vốn điều lệ của Saigonbank chỉ là 3.080 tỷ đồng, thấp nhất trong hệ thống và cũng chỉ cao hơn một chút so với mức vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng theo quy định của pháp luật.
Bản thân Saigonbank cũng nhìn nhận quy mô vốn nhỏ bé là một trong những rào cản lớn nhất hạn chế hoạt động của ngân hàng này, bên cạnh khá nhiều điểm yếu khác như: khách hàng dễ nhầm lẫn thương hiệu của Saigonbank với tên nhiều ngân hàng khác; năng lực cạnh tranh yếu; thu nhập phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất hiện nay đối với Saigonbank đó chính là cơ cấu cổ đông. Trong đó, cổ đông lớn nhất của ngân hàng này là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm hơn 18% vốn. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, kế đến Saigon Petro với tỷ lệ sở hữu hơn 14%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ hơn 65% vốn của Saigonbank; 35% còn lại đang nằm trong tay các cổ đông nhỏ lẻ khác.
Trong khi đó, theo quy định của Luật các TCTD, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD. Điều đó có nghĩa, nhiều cổ đông lớn của Saigonbank sẽ phải thoái vốn khỏi ngân hàng này, đặc biệt là Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Trên thực tế, từ lâu nay, cổ đông này cũng muốn thoái toàn bộ vốn khỏi Saigonbank, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Các cổ đông lớn không thoái được vốn, nhưng cũng không rót thêm vốn, khiến vốn điều lệ của Saigonbank giữ nguyên từ ngày 26/9/2012 đến nay. Đó là chưa kể, ý định thoái vốn của Văn phòng Thành ủy TP.HCM cũng khiến cho nhân sự cấp cao của Saigonbank liên tục bị xáo trộn và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.
Áp lực sáp nhập Điều mà những tổ chức, cá nhân muốn trở thành cổ đông chi phối SaigonBank không chỉ là việc mở rộng, phát triển ngân hàng này mà còn vì khối bất động sản có vị trí “vàng”. Thế nhưng, do các tài sản của SaigonBank về bản chất là tài sản công, trong khi thủ tục đấu giá tài sản công rất phức tạp, nhất là khâu thẩm định giá trị. Chẳng hạn như Khách sạn Riverside nằm sát tòa nhà trụ sở Seaprodex góc Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng. Nếu doanh nghiệp nào mua được tòa nhà Seaprodex và khách sạn Riverside, sẽ có trong tay một vị trí đẹp nhất nhì TP.HCM với diện tích hàng ngàn mét vuông. Thế nhưng, việc định giá một tài sản như thế cũng không hề dễ dàng. Trên thực tế, trước đây đã có nhiều đối tác trong và ngoài nước muốn thuê khách sạn Riverside để kinh doanh, nhưng do cơ chế khiến SaigonBank không thể cho thuê… Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để phá thế bế tắc này là sáp nhập Saigonbank vào một ngân hàng khác. Trước đây, Saigonbank đã dự kiến sáp nhập vào Vietcombank. Tuy nhiên, việc sáp nhập này đã không thực hiện được do tỷ lệ chuyển đổi sẽ làm giảm giá trị phần góp vốn của cổ đông Nhà nước ở SaigonBank trên sổ sách- điều mà quy định về bảo toàn vốn Nhà nước không cho phép. Trong khi phía Vietcombank cũng không thể chấp nhận tỷ lệ chuyển đổi 1:1 như đề xuất của Saigonbank. Mặc dù vậy, trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường tiền tệ ngày càng khốc liệt hiện nay, với sự góp mặt của nhiều ngân hàng nước ngoài, nếu không sáp nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh, e rằng hoạt động của Saigonbank nói riêng, các ngân hàng nhỏ nói chung sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai. |
Hà Anh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận