Saigonbank: Lãi trước thuế quý 2 gấp 4 lần, nợ xấu tăng 14%
Hoạt động phi tín dụng tăng mạnh và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đáng kể là nguyên nhân chính giúp Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (OTC: SGB) có lãi trước thuế quý 2 hơn 77 tỷ đồng, gấp 4.3 lần cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tăng lên mức 2.27%.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Saigonbank trong quý 2/2020 gần như đi ngang so cùng kỳ, với thu nhập lãi thuần chỉ tăng 1%, đạt 159 tỷ đồng.
Trong khi đó, hoạt động phi tín dụng, bao gồm kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác, có lãi lần lượt gấp 2.8 lần và 4.6 lần quý 2/2019, mang về gần 10 tỷ đồng và hơn 22 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động suýt soát cùng kỳ năm trước và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 74% cũng là yếu tố giúp Saigonbank ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế quý 2 lần lượt gấp 4.3 lần và 15.4 lần cùng kỳ, đạt hơn 77 tỷ đồng và 56 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ dịch vụ lần lượt giảm 2% và 21% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhờ có 17 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và 30 tỷ đồng lãi hoạt động khác, lần lượt gấp 3.4 lần và 2.5 lần nửa đầu năm trước, cùng với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 86%, ở mức 6 tỷ đồng, Saigonbank có lãi trước thuế gần 126 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, cùng tăng 42%.
Theo mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2020 đạt 130 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm trước, Saigonbank đã thực hiện được 97% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đầu năm.
Tuy có kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Saigonbank âm gần 1,560 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 929 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do các tổ chức tín dụng đã rút 2,700 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng.
Tính đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của Saigonbank giảm 10% so với đầu năm, đạt 20,569 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 5%, đạt gần 14,151 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các khoản lãi, phí phải thu tăng 34% so với đầu năm, lên mức 276 tỷ đồng.
Saigonbank còn 757 tỷ đồng dư nợ trái phiếu VAMC, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, dự phòng trái phiếu VAMC ở mức 166 tỷ đồng, giảm 28%.
Về nguồn vốn, Saigonbank ghi nhận tiền gửi của khách hàng tăng 2% so với đầu năm, đạt gần 15,982 tỷ đồng, trong khi tiền gửi và vay các TCTD khác giảm 84%.
Về tình hình chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của Saigonbank tăng 14% so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1.94% xuống mức 2.27%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 44% và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp 2.1 lần đầu năm. Riêng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ 3%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận