Sai phạm ngàn tỷ tại VEAM: Thừa nhận 2 vai
Cơ quan nhà nước đang làm 2 vai, trong trường hợp không quản lý giám sát thường xuyên sẽ không phòng ngừa được rủi ro hoặc ngăn chặn sai phạm.
Tại cuộc tọa đàm "Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh" sáng 22/8, trả lời cho câu hỏi, phải chăng những sai phạm của xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là do việc không kiểm soát chặt chẽ của chủ sở hữu thông qua việc nắm bắt thông tin? Ông Đặng Quyết Tiến Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng:
"Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo. Thứ nhất khi doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần rồi, không còn là doanh nghiệp nhà nước nữa thì cách thức quản lý của doanh nghiệp phải thay đổi cho phù hợp với cơ chế.
Thứ hai, rõ ràng cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa có đủ nguồn lực, chưa có đủ bộ máy để kiểm tra giám sát thường xuyên, không phát hiện sớm sai phạm của người dại diện vốn.
Ngoài ra, thông tin mà người đại diện vốn nhà nước ở doanh nghiệp báo cáo chưa đúng với quy định của pháp luật, báo cáo không đúng, đưa ra những thông tin không chính xác.
Chính vì thế chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nên được bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) hoặc Ủy ban quản lý vốn Nhà Nước tại doanh nghiệp.
Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, sai phạm xảy ra tại VEAM là bài học đắt giá cho các Bộ, ngành.
Về vấn đề quan hệ sở hữu tại doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đang làm 2 vai, vì thế trong trường hợp không quản lý giám sát thường xuyên sẽ không đảm bảo được phòng ngừa rủi ro hoặc ngăn chặn sai phạm.
"Tốt nhất cơ quan nhà nước không làm 2 vai nữa mà nên tuân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành nên rút kinh nghiệm và sớm bàn giao doanh nghiệp cho các cơ quan chuyên trách.
Chúng tôi cùng với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu Tư thống nhất rằng, các doanh ngiệp sau cổ phần hóa nên được bàn giao về SCIC hoặc Ủy ban quản lý vốn Nhà Nước tại doanh nghiệp.
Khi ấy nếu xảy ra sai phạm thì các cơ quan chuyên trách này sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra ở VEAM và một số đơn vị thành viên, đồng thời ra quyết định khởi tố ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp.
Kết luận thanh tra từ năm 2010 đến tháng 6/2018 của Bộ Công Thương đã chỉ ra loạt các sai phạm tại VEAM. Công tác kiểm kê tài sản chưa đầy đủ, không chính xác, ghi nhận tài sản nhưng không kiểm kê, Mất tài sản 1 chiếc ô tô Fortuner với giá 1 tỷ đồng.
Năm 2013, VM (nhà máy ô tô Hàn Quốc mà VEAM mua) nhận tài sản cố định nhưng hai bên không kiểm kê tài sản để ghi nhận chi tiết tài sản khi được bàn giao với giá trị tài sản cố định là 652 tỷ đồng.
Một số đơn vị thuộc VEAM thua lỗ, gây mất vốn nhà nước như chi nhánh Bắc Kạn, nhà máy VM kinh doanh trong giai đoạn 2010 đến tháng 6/2018 gây mất vốn đầu tư của VEAM là 331 tỷ đồng.
Đến thời điểm ngày 1/1/2018, TACMA đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và bị âm 36 tỷ. Công ty Mê Linh thuộc Viện Công nghệ mất 5,6 tỷ vốn. Công ty VEAM Korea mất vốn 208 triệu won. Trong đó, Tổng công ty VEAM mất 185 triệu won, tương ứng 3,7 tỷ đồng.
VEAM còn thực hiện góp vốn điều lệ tại một số đơn vị vượt quá số cho phép như tại Công ty TNHH Cơ khí Mê Linh vượt 3,1 tỷ; sử dụng vốn không đúng mục đích với việc TACMA chi sai 2,7 tỷ từ khoảng 49,7 tỷ mà VEAM hỗ trợ và số tiền 33,7 tỷ từ khoản hỗ trợ di dời cơ sở từ Công ty CIRI; Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo đã sử dụng 112,6 tỷ không đúng mục đích: Viện Công nghệ khen thưởng, phúc lợi vượt số dư của quỹ.
Trong công tác đầu tư dự án, xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị VEAM cũng vướng nhiều sai phạm về quản lý hồ sơ, chất lượng, tiến độ và thanh quyết toán.
VEAM có sai phạm lớn trong công tác tổ chức cán bộ đó là không thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, quy chế trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ như không ban hành quyết định bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đơn vị trực thuộc, không ban hành quy chế hoạt động của người đại diện tại doanh nghiệp có phần vốn góp của tổng công ty, nhiều sai sót trong ban hành một số quyết định nhân sự, hồ sơ bổ nhiệm không đủ…
Kết luận thanh tra VEAM cho thấy tổng công ty đã cho các thành viên vay tiền tính lãi suất trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng số 47. Một số các đơn vị VEAM cho vay, hỗ trợ lãi suất ưu đãi kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm, mất cân đối tài chính, thuộc diện giám sát đặc biệt, khả năng thu hồi vốn khó khăn.
Việc cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi, miễn lãi của VEAM không có quy định cụ thể bằng văn bản, một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ. Số tiền VEAM hỗ trợ, cho vay các đơn vị thành viên chưa thu hồi được là 595 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận