S&P Global chấm PMI sản xuất Việt Nam tăng lên 54,7 điểm, đã hết lo?
Ngày 1/7, S&P Global công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers Index - PMI) ngành sản xuất Việt Nam. Theo đó PMI đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, từ mức 50,3 điểm của tháng 5. Kết quả này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất của Việt Nam và các điều kiện kinh doanh đã cải thiện rõ rệt.
Ngành sản xuất Việt Nam sôi động trở lại
PMI là chỉ báo kinh tế quan trọng được sử dụng để đánh giá sức khỏe của ngành sản xuất. Chỉ số này được tính toán dựa trên khảo sát các nhà quản trị mua hàng về điều kiện kinh doanh của họ, bao gồm: Đơn đặt hàng mới (30%), sản lượng (25%), việc làm (20%), thời gian giao hàng của nhà cung cấp (15%) và tồn kho hàng mua (10%). Mức PMI trên 50 cho thấy sự tăng trưởng, trong khi dưới 50 cho thấy sự suy giảm.
Theo S&P Global ghi nhận, số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng nhanh trong tháng 6. Trong đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022. Sản lượng cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 5 năm rưỡi qua.
“Ngành sản xuất của Việt Nam sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm, vượt qua tình trạng tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong những tháng gần đây nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết.
Theo đánh giá, nhu cầu cải thiện là nguyên nhân khiến một số khách hàng quay trở lại yêu cầu có thêm đơn đặt hàng trong tháng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, giá cả cạnh tranh cũng giúp các công ty Việt Nam có được các đơn đặt hàng mới.
PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global.
Mức độ tăng mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới đã làm bộc lộ tình trạng thiếu nhân viên ở một số công ty và dẫn đến tăng khối lượng công việc cần thực hiện. Trước tình hình đó, các công ty đã tuyển mạnh thêm nhân viên.
Tồn kho hàng mua, tồn kho hàng thành phẩm cũng ghi nhận giảm khi hàng hóa đầu vào được dùng cho sản xuất, hàng lưu kho liên tục được chuyển đi đáp ứng nhu cầu bán hàng.
Tháng 6 vừa qua cũng ghi nhận thời gian giao hàng cũng đã được rút ngắn lần đầu tiên trong năm 2024 nhờ độ sẵn có hơn của nguyên vật liệu giúp các nhà cung cấp đẩy nhanh quá trình giao hàng.
Đi cùng với mức tăng trưởng mạnh là gánh nặng chi phí tăng, đặc biệt khi chi phí vận tải tăng khiến giá cả đầu vào tăng lên mức cao của hai năm trở lại đây. Để bù đắp, các nhà sản xuất đã tăng giá bán hàng với mức độ lớn nhất kể từ tháng 6/2022.
Các điều kiện kinh doanh thuận lợi trên tiếp tục hỗ trợ cho niềm tin về triển vọng sản lượng ngành sản xuất trong một năm tới. Tâm lý kinh doanh đạt mức cao của 3 tháng trở lại đây khi có khoảng một nửa số người trả lời khảo sát của S&P Global dự báo tăng trưởng.
“Lạm phát tăng có thể làm giảm nhu cầu trong tương lai, nhưng hiện giờ các công ty vẫn sẽ tận hưởng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 6”, ông Andrew Harker nhận định.
Chưa phục hồi hoàn toàn
Đánh giá của chuyên gia S&P Global tương đồng với khảo sát của Tổng cục Thống kê Việt Nam về xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý vừa qua.
Tại họp báo sáng 29/6, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, ngành sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đã cho thấy phục hồi rõ nét hơn trong quý II, thể hiện ở chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục tháng sau hơn tháng trước, quý sau hơn quý trước.
Nhóm chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp, cũng như là toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, một số ngành Việt Nam có lợi thế xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng khá như nhóm ngành điện, điện tử (quý I ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản phẩm quang học tăng trưởng nhẹ 0,3% nhưng sang quý II đã tăng tới 17,5%). Nhóm ngành xuất khẩu chủ lực thứ hai là gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng duy trì mức tăng trưởng liên tục 6 tháng đầu năm trên 20%/tháng. Nhóm chủ lực thứ ba là dệt, may, da giày cũng có tín hiệu tích cực, đặc biệt là ngành dệt.
Tuy nhiên, bà Nga lưu ý sản xuất công nghiệp tăng khá nhưng trên nền giảm của năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn 2020 nhưng thấp hơn năm 2021, 2022 và các năm trước dịch trong điều kiện sản xuất bình thường. Công nghiệp khai khoáng tiếp tục đà giảm trong nhiều năm trở lại đây, theo kế hoạch sản xuất của các tập đoàn thì vẫn tiếp tục duy trì giảm.
"Trong nhóm ngành chế biến, chế tạo thì một số ngành vẫn còn khó khăn hoặc tín hiệu phục hồi chưa rõ nét. Đơn cử ngành xi măng và các sản phẩm từ xi măng đang rất khó khăn hay nhóm sản xuất ô tô, xe máy; sản xuất bia, ủ men bia… là những ngành chúng tôi quan sát vẫn đang gặp khó khăn”, bà Nga lưu ý.
Lãnh đạo Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng kết luận sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực tuy nhiên chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch. Do đó, cần hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương để có thể có tăng trưởng tích cực và đột phá hơn trong 6 tháng cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận