S&P 500 đạt 3.000 điểm: Không có lý do để vui mừng
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa đạt thêm dấu mốc lịch sử mới, khi chỉ số S&P 500 lần đầu tiên phá vỡ mốc 3.000 điểm, mà động lực lớn nhất tới từ phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, không có nhiều lý do để thị trường ăn mừng sự kiện này.
Dù đã tăng 19,5% kể từ đầu năm cho tới nay, nhưng chỉ số S&P 500 mới chỉ tăng 4,18% nếu so với cuối tháng 1/2018, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại bằng việc đánh thuế lên sản phẩm máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức tăng này trong 1 năm qua rõ ràng không lấy làm ấn tượng, thậm chí, nó còn thấp hơn cả đà tăng 6,98% của trái phiếu Mỹ, một trong các loại tài sản đầu tư an toàn bậc nhất.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư dễ phấn khích trước mức đỉnh mới mà quên mất rằng, thị trường chứng khoán Mỹ ngày càng dễ tổn thương. Trong 9 tháng vừa qua, chỉ số S&P 500 đã có 3 lần giảm mạnh ít nhất 6,5%, so với việc chỉ có một số tháng giảm điểm đơn lẻ trong đà tăng kéo dài từ năm 2011 cho tới nay.
Đáng chú ý, sự khởi sắc sau khi bị bán tháo quá đà vào tháng 5/2019 có vẻ rất ấn tượng, nhưng thực tế, đà tăng được dẫn dắt bởi các công ty được hưởng lợi bởi giá dầu đi xuống. Trong khi đó, thị trường dầu mỏ đang trong đà leo dốc đầy phấn khích. Kể từ đầu tháng trước cho tới nay, giá dầu đã tăng khoảng 20%. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí năng lượng đi lên, khiến doanh nghiệp tốn kém hơn. Hiện tại, có nhiều động lực hỗ trợ đà tăng của giá dầu, bao gồm các số liệu cho thấy các nguồn cung giảm sút, Tổng thống Trump cam kết sẽ áp dụng các biện pháp cấm vận “bền vững” với Iran, các cơn bão tại vịnh Mexico khiến hoạt động khai thác dầu khó khăn hơn…
Chưa kể, các doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhờ giá dầu giảm cũng là đối tượng có mối liên hệ mật thiết với nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng khó khăn hơn. Chỉ số Dow Jones Transportation Average đang theo đà đi xuống, đánh dấu mức giảm 7,27% kể từ mức đỉnh gần nhất đạt được vào tháng 4/2019.
Chỉ số Dow Jones Transportation Average là một trong các phong vũ biểu quan trọng của nền kinh tế, bởi các cổ phiếu hợp thành của nó bao gồm công ty xe lửa Norfolk Southern Corp, nhà vận chuyển hàng hóa FedEx Corp, hãng vận tải xe tải J.B. Hunt Transport Services Inc…, tất cả đều phản ánh rõ nét tình trạng sức khỏe của nền kinh tế ngay thời điểm hiện tại.
Một mối lo ngại khác của giới chuyên gia là việc tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp không lấy làm tích cực. Theo Bloomberg Intelligence, các dự báo tăng trưởng lợi nhuận đang ở mức thấp nhất kể từ quý I/2016. Chỉ 51 trong số 500 công ty thuộc chỉ số S&P 500 có lợi nhuận trong quý II/2019 đi lên, trong khi hơn một nửa doanh nghiệp thuộc chỉ số phải hạ thấp các dự báo tăng trưởng lợi nhuận.
Đây cũng là lý do không có gì ngạc nhiên khi chứng khoán nhận được trợ lực từ Fed để leo dốc, khi Chủ tịch Fed Jerome Powell xác nhận trước Quốc hội rằng sẽ có đợt cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này. Việc hạ lãi suất sẽ kích thích đầu tư, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, nhưng liệu vậy đã đủ để hoạt động sản xuất - kinh doanh của các công ty thực sự khởi sắc và giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bền vững hơn?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận