menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Vũ

Rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc lại trỗi dậy

Rủi ro vỡ nợ tại Trung Quốc vẫn có xu hướng gia tăng do tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Nhiều công ty Trung Quốc đang ngập trong nợ nần. Chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy mà Trung Quốc khởi xướng vào năm 2016 nhằm hạn chế rủi ro cho thị trường tài chính nước này đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn để trả nợ, là nguyên nhân dẫn đến số vụ vỡ nợ trái phiếu tăng kỷ lục trong năm 2018. Mặc dù vấn đề đã tạm lắng dịu trong nửa đầu năm 2019 khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chuyển hướng sang nới lỏng tiền tệ, nhưng rủi ro vỡ nợ tại Trung Quốc vẫn có xu hướng gia tăng do tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Triển vọng xấu dần

Rủi ro là rất lớn và triển vọng ngày càng xấu đi. Năm ngoái lượng vỡ nợ đã đạt kỷ lục với khoảng 122 tỷ nhân dân tệ, nhiều gấp hơn 4 lần số tiền năm 2017; trong đó các công ty thuộc khu vực tư nhân chiếm hơn 90% tổng số vỡ nợ trong năm ngoái. Xu hướng này vẫn tiếp tục khi mà nửa đầu năm 2019 đã có hơn 55 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8 tỷ USD) giấy tờ có giá địa phương không trả được nợ, bao gồm 20 doanh nghiệp vỡ nợ lần đầu.

Nguyên nhân chủ yếu cho thanh khoản bị thắt chặt. Các nhà đầu tư và ngân hàng thường chỉ thích rót vốn vào các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn, song lại không sẵn lòng mở rộng tín dụng với các công ty tư nhân nhỏ. Đặc biệt, việc Chính phủ Trung Quốc bất ngờ thâu tóm Ngân hàng Baoshang vào cuối tháng 5 càng khiến các nhà đầu tư thêm lo ngại. Khó khăn càng thêm chồng chất khi mà tăng trưởng kinh tế bị mất đà càng khiến các công ty nhỏ phải đối mặt với khả năng sẽ bị siết chặt tài trợ và áp lực trả nợ cao hơn.

Đáng lo ngại là phạm vi vỡ nợ lan rộng, quy mô các vụ vỡ nợ cũng lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Còn nhớ hồi năm 2016, hầu hết các vụ vỡ nợ đều thuộc về các ngành công nghiệp có công suất dư thừa như than và thép. Lần này, phạm vi vỡ nợ rộng hơn nhiều. Nếu như Công ty dầu khí CEFC Shanghai International Group Ltd. và Công ty khai thác than Wintime Energy Co. là những doanh nghiệp vỡ nợ lớn nhất trong năm 2018, theo dữ liệu của Bloomberg. Còn năm nay, China Minsheng Investment Group Corp, một tập đoàn đầu tư lớn của Trung Quốc với các khoản đầu tư trải rộng trên nhiều lĩnh vực bao gồm bất động sản, hàng không và chăm sóc sức khỏe… đang chịu nhiều áp lực từ đống nợ khổng lồ của mình.

Còn nhớ hồi cuối tháng 1/2019, tập đoàn này đã khiến thị trường kinh hãi vì không trả được nợ. Chưa hết, vào tháng 4/2019, một công ty con của tập đoàn cũng vỡ nợ đối với lượng trái phiếu bằng đồng USD. Ngoài ra, tập đoàn cũng không thanh toán được lượng trái phiếu trong nước đã đến hạn thanh toán vào cuối tháng 4/2019, mặc dù 2 ngày sau đó tập đoàn họ đã thanh toán.

Vì đâu nên nỗi?

Các công ty Trung Quốc đã tích lũy nợ trong ít nhất một thập kỷ trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mạnh tay bơm tiền vào nền kinh tế để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều đó giữ cho nền kinh tế Trung Quốc vượt qua khó khăn, nhưng cái giá phải trả cũng không hề nhỏ. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP đã tăng lên mức kỷ lục 160% vào cuối năm 2017, từ mức 101% của 10 năm trước đó.

Trước thực trạng đó, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố vào năm 2016 sẽ siết chặt lại hoạt động vay mượn quá mức của các doanh nghiệp và giảm tỷ lệ đòn bẩy trên thị trường tài chính để giảm rủi ro cho nền kinh tế. Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành nhiều quy định nhằm hạn chế hệ thống ngân hàng ngầm quy mô khoảng 10 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng dẫn tới hàng loạt các vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra là liệu Chính phủ có can thiệp? Câu trả lời là có. Kể từ tháng 7/2018, chính phủ Trung Quốc đã chuyển hướng sang bơm thêm thanh khoản vào thị trường tài chính thông qua các biện pháp như cắt giảm dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng. Các nhà quản lý đã hỗ trợ tiền mặt cho các ngân hàng và yêu cầu đẩy mạnh cho vay để hỗ trợ các công ty nhỏ. Với nỗ lực nhằm giải quyết các cú sốc thanh khoản, các nhà quản lý tài chính hàng đầu của Trung Quốc đã kêu gọi các ngân hàng và các nhà môi giới lớn hỗ trợ thanh khoản cho các công ty nhỏ hơn - những người mua nợ chính của công ty.

Tuy nhiên, sự can thiệp của Chính phủ chỉ giải quyết được phần nào vấn đề hiện nay và chắc chắn sẽ có không ít trường hợp vỡ nợ thậm chí là phá sản. Theo quy định hiện hành, các công ty gặp khó khăn có thời hạn là 9 tháng kể từ khi tòa án chấp nhận hồ sơ xin phép phá sản để thống nhất kế hoạch tái cấu trúc với tất cả các bên. Nếu thất bại họ có thể bị tuyên bố phá sản, kích hoạt tiến trình thanh lý tài sản.

Tuy nhiên hiện đang tồn tại những lo ngại về sự tham gia của chính phủ vào các vụ tái cấu trúc lớn và sự miễn cưỡng của các ngân hàng trong việc thực thi quyết định của tòa án vì không muốn hứng chịu thua lỗ. Vì thế, trong thực tế, quá trình này có thể kéo dài hơn nhiều, thậm chí các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bị hạn chế quyền thực thi đối với một số tài sản thuộc sở hữu nhà nước, theo Pacific Investment Management Co.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả