Rủi ro vỡ nợ đe doạ công ty sở hữu phần mềm gián điệp Pegasus
Công ty phần mềm gián điệp NSO Group hiện đang phải tính đến phương án chấm dứt phát triển phần mềm Pegasus hoặc bán lại toàn bộ công ty khi rủi ro vỡ nợ gia tăng.
NSO Group, công ty phần mềm dính đến nhiều bê bối có trụ sở tại Israel, hiện đang xem xét khả năng chấm dứt bộ phận phần mềm gián điệp Pegasus và bán toàn bộ công ty để tránh nguy cơ vỡ nợ, theo thông tin từ Bloomberg.
NSO đã thực hiện đàm phán với các quỹ đầu tư về một số lựa chọn nhất định, bao gồm đảo nợ hoặc bán toàn bộ công ty. Công ty phần mềm này đã thuê các chuyên gia tư vấn từ ngân hàng đầu tư Moelis & Co., trong khi bên cho vay đang được các luật sư từ hãng luật Willkie Farr & Gallagher tư vấn.
Các chủ sở hữu tiềm năng mới của NSO, trong đó có hai quỹ đầu tư từ Mỹ, đã thảo luận việc kiểm soát và chấm dứt hoạt động chương trình phần mềm gián điệp Pegasus.
Theo kế hoạch này, các quỹ đầu tư trên sẽ bơm khoảng 200 triệu USD vào NSO để biến thông tin và kinh nghiệm đứng sau Pegasus thành các dịch vụ an ninh mạng chỉ phục vụ mục đích phòng vệ, bên cạnh khả năng phát triển thêm mảng công nghệ máy bay không người lái (drone) của công ty này.
Phần mềm Pegasus có thể theo dõi và thu thập nhiều thông tin nhạy cảm từ điện thoại bị xâm nhập, và việc phần mềm này bị lạm dụng đã đẩy NSO vào trung tâm của nhiều bê bối xâm phạm quyền riêng tư và quyền con người. Cụ thể hơn, chính phủ một số quốc gia được cho là đã dùng Pegasus để theo dõi các nhà hoạt động chính trị, nhà báo và chính khách đối lập. Gần đây, điện thoại của ít nhất 9 nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng được phát hiện đã bị phần mềm này xâm nhập.
NSO tuyên bố rằng công ty này chỉ bán phần mềm cho các cơ quan chính phủ và lực lượng thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn tội phạm nguy hiểm và khủng bố; đồng thời chấm dứt hợp đồng với các khách hàng lạm dụng Pegasus. Tuy vậy, Bộ Thương mại Mỹ vẫn đưa NSO vào danh sách đen - một quyết định NSO muốn đảo ngược vì “công nghệ [của NSO] hỗ trợ cho lợi ích và chính sách an ninh quốc gia của Mỹ”.
Apple cũng đã kiện NSO và muốn cấm công ty này sử dụng sản phẩm và dịch vụ của Apple. Đồng thời, Apple cũng đã gửi đi cảnh báo tới những người dùng iPhone bị phần mềm của NSO xâm nhập.
Việc bị Mỹ đưa vào danh sách đen và bị Apple kiện đã làm trầm trọng thêm gánh nặng tài chính của NSO khi mà công ty này cần phải trả khoản nợ 450 triệu USD, chỉ 2 năm sau thương vụ MBO định giá công ty này ở mức khoảng 1 tỷ USD. Moody’s Investors Service vào tháng trước cho biết rủi ro NSO vi phạm điều khoản vay hiện đang tăng cao.
Việc chấm dứt chương trình Pegasus có thể biến NSO trở thành một công ty với quy mô và giá trị nhỏ hơn nhiều do chương trình này mang lại khoảng một nửa doanh thu cho công ty. Doanh thu của NSO năm 2021 được kỳ vọng đạt mức 230 triệu USD, thấp hơn 8% so với năm 2018.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận