Rủi ro từ việc cầm cố sổ tiết kiệm
Hình thức cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm có nhiều thuận lợi để khách hàng vay vốn gấp mà không muốn rút tiền, nhưng nó cũng tạo ra nhiều nguy hiểm đối với các tổ chức tín dụng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cảnh báo việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.
Cảnh báo từ NHNN
Theo NHNN, qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng - TCTD) cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Do đó, NHNN yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm.
Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Các TCTD cũng được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm; chủ động xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.
Theo ghi nhận, hiện tượng cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn không quá xa lạ đối với nhiều người đang gửi tiền tại các ngân hàng. Một số người gửi tiền do có nhu cầu vốn đột xuất nhưng không muốn rút sổ trước hạn đã được nhân viên ngân hàng tư vấn "vay gấp" kiểu này.
Theo đó, khách hàng sẽ bàn giao sổ tiết kiệm cho ngân hàng phong toả, quản lý trong suốt thời gian được sử dụng để đảm bảo cho khoản vay.
Theo Giám đốc Quản trị rủi ro của một ngân hàng, loại tài sản là tiền gửi tiết kiệm thường được coi là an toàn nhất, dễ xử lý nhất trong các loại tài sản được đem đảm bảo; và cầm cố cũng là biện pháp mà ngân hàng “nắm đằng chuôi” nên nguồn lực cho việc xử lý các tài sản thường thấp.
Chính vì vậy, các ngân hàng thường có xu hướng “thả lỏng” hơn các điều kiện về thẩm định khách hàng, giấy tờ mục đích sử dụng vốn cũng như trình tự, thủ tục cấp tín dụng được đảm bảo bằng tiền gửi cũng rất đơn giản, gọn nhẹ, thậm chí từ lúc yêu cầu, đến lúc giải ngân nhanh nhất chỉ 30 phút đồng hồ.
Biến tướng nguy hiểm
Trong những năm trước đây, nhiều ngân hàng đã triển khai sản phẩm gửi tiền rút gốc linh hoạt, theo đó cho phép khách hàng có thể rút gốc từng phần hoặc thậm chí toàn bộ trước hạn mà vẫn được hưởng lãi suất như ban đầu.
Điều này dẫn đến tình trạng mất an toàn thanh khoản cũng như rủi ro kỳ hạn tại các ngân hàng, do đó hình thức cho vay này đã bị cấm. Nhiều ngân hàng đã “lách” quy định này bằng hình thức cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, theo đó, khách hàng sẽ chấp nhận mức lãi suất vay cao hơn lãi suất trên sổ tiết kiệm một cách tượng trưng.
Tuy nhiên, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, sẽ có hai vấn đề phát sinh.
Điều này có thể gây rủi ro lên hệ thống ngân hàng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Rủi ro thứ nhất là nguy cơ kéo mặt bằng lãi suất tăng, trong trường hợp chủ sở hữu sổ tiết kiệm vay cầm cố 10 tỷ đồng thì bảng cân đối kế toán của ngân hàng bị hụt ngay 10 tỷ đồng và ngân hàng phải huy động ngay thêm 10 tỷ tiền mặt để bù đắp khoảng trống trên bảng cân đối tài sản. Điều này bắt buộc các ngân hàng phải chấp nhận trả lãi suất cao để huy động vốn bù đắp vào khoản cho vay mới.
Như vậy, trên sổ sách, từ một khoản tiết kiệm 10 tỷ đồng ngân hàng này "tạo" ra một tài sản 20 tỷ đồng cho vay (10 tỷ đã cho vay và 10 tỷ cho vay mới). “Hình thức cho vay này được gọi là “tín dụng ma”, làm méo mó tổng tài sản của ngân hàng nên nhiều nước tiên tiến cấm cho vay loại này”, ông Hiếu nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận