Rủi ro lạm phát và chính sách tiền tệ
GDP quý I/2019 tăng 6,79%, trong khi CPI chỉ tăng 2,63%, thấp hơn cùng kỳ 2 năm trước là những tín hiệu khởi đầu tích cực cho triển vọng tăng trưởng kinh tế và kiểm soát rủi ro lạm phát cả năm 2019.
Những rủi ro lạm phát nổi bật
Năm 2018 đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam với một thành công kép hiếm có là GDP tăng trưởng tới 7,08% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 đến nay, trong khi CPI bình quân cả năm chỉ tăng 3,54% so với bình quân năm 2017 - thấp hơn mức 4% được Quốc hội yêu cầu. Thậm chí, nếu so với cuối năm 2017 thì CPI cuối năm 2018 tăng vỏn vẹn 2,98%.
Thành công trong kiềm chế lạm phát cả năm dưới 4% suốt từ năm 2015 đến nay không những chứng tỏ nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt kết quả, mà còn tạo cơ sở vững chắc để tăng trưởng kinh tế vượt mốc 6% và 7%. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 tiếp tục trên 7%; đồng thời CPI cả năm hoàn toàn có khả năng kiểm soát dưới 4% với điều kiện nhận diện và quản lý tốt rủi ro lạm phát đã tích lũy trong mấy năm qua, cũng như có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Những rủi ro lạm phát nổi bật đó là: Thứ nhất, lạm phát thấp năm 2018 là sự tiếp diễn xu thế đã bắt đầu từ năm 2012 và được khẳng định từ năm 2014 với CPI bình quân năm lần lượt là 9,21%; 6,6%; 4,09%; và thậm chí xuống mức 0,63% năm 2015, rồi lên 2,66% năm 2016 và 3,53% năm 2017. Đây là kết quả tất yếu của các biện pháp kiềm chế lạm phát cao sau giai đoạn 2008 - 2011 theo tinh thần Nghị quyết 11/2012/NQ-CP của Chính phủ. Kể từ đó, bất kể tăng trưởng kinh tế xuống đáy 5,25% năm 2012, hay lên đỉnh cao nhất trong vòng 11 năm, 7,08% trong năm 2018, thì Chính phủ đều kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát.
TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế
Với mục tiêu GDP năm 2019 tăng không thấp hơn so với năm 2018, việc mở rộng tín dụng, tăng giải ngân đầu tư công, giảm lãi suất cho vay, tăng chi thường xuyên (trong đó có tăng chi tiền lương), điều chỉnh giảm giá VND so với USD (đi đôi với tăng kim ngạch nhập khẩu), duy trì thâm hụt ngân sách nhà nước 3 - 4% GDP và tăng quy mô nợ công (ít nhất về số tuyệt đối)… thì rủi ro lạm phát tăng vượt mốc 4% trong năm 2019 do nới lỏng cả chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ có thể xảy ra, nếu không có biện pháp chủ động phòng ngừa rủi ro lạm phát thông qua chủ động và linh hoạt phối hợp đồng bộ hai chính sách kinh tế vĩ mô cơ bản từ bài học kinh nghiệm đắt giá giai đoạn 2006 - 2011.
GDP quý I/2019 đã tăng 6,79%, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% cùng kỳ năm trước, song vẫn cao hơn hẳn so với mức tăng chỉ khoảng trên dưới 5% cùng kỳ những năm 2017 trở về trước, trong khi CPI bình quân quý I/2019 chỉ tăng 2,63%, thấp hơn mức 2,82% năm 2018 và cách xa so với mức tăng 4,96% năm 2017. Đây là những tín hiệu khởi đầu tích cực cho triển vọng tăng trưởng kinh tế và kiểm soát rủi ro lạm phát cả năm 2019.
Thứ hai, diễn biến lạm phát tính theo năm cho thấy, từ đầu năm 2014, lạm phát đã xuống dưới mức 5%, thậm chí có dấu hiệu thiểu phát vào năm 2015 trước khi quay lại mốc 5% vào năm 2016 và đạt mục tiêu dưới 4% năm 2017. Có thể nói, lạm phát nước ta đang trong giai đoạn ổn định ở mức vừa phải nhờ cả các yếu tố chủ quan từ chính sách kinh tế vĩ mô lẫn yếu tố khách quan từ thị trường quốc tế. Xu thế này có thể tiếp diễn trong năm 2019 khi dự báo thị trường thế giới không có biến động quá lớn về giá và các chính sách kinh tế vĩ mô hàng đầu như chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ đều lấy ổn định, thận trọng làm phương châm chỉ đạo.
Dĩ nhiên, biến động quá mạnh của giá dầu thô do biến động chính trị thế giới có thể tác động mạnh tới lạm phát của Việt Nam năm 2019, theo đó cần có biện pháp ứng phó phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2019. Bên cạnh đó, từ 20/3/2019, giá điện bình quân đã tăng 8,36% sau hơn 1 năm giữ ổn định sẽ kích thích tăng chi phí sản xuất và tiêu dùng, qua đó tăng rủi ro lạm phát trong thời gian còn lại của năm.
Tính đồng bộ của chính sách quản lý nhà nước về giá với chính sách tài khoá và tiền tệ rất cần được đảm bảo khi không chỉ giá điện, nước, xăng dầu, mà giá các dịch vụ thiết yếu cũng gây áp lực không nhỏ lên lạm phát năm 2019 khi chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã tăng tới hơn 200% (riêng nhóm dịch vụ y tế tăng 260%) so với kỳ gốc năm 2014. Các con số tương ứng của chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 134% (riêng dịch vụ giáo dục tăng gần 140%) - vượt rất xa tốc độ tăng chỉ số giá các nhóm hàng hoá dịch vụ còn lại trong rổ tính CPI.
Thứ ba, diễn biến CPI tháng sau so với tháng trước nửa đầu năm 2018 cũng không phẳng lặng như năm 2016 khi giảm 0,27% vào tháng 3, nhưng lại tăng mạnh trở lại 0,55% và 0,61% vào tháng 5 và 6 trước khi giảm nhẹ 0,09% vào tháng 7. Tuy nhiên, thông lệ CPI tăng cao vào đầu và cuối năm một lần nữa không lặp lại vào năm 2018 tương tự như năm 2017. CPI tháng 11 và tháng 12 năm 2018 không những không tăng mà còn giảm lần lượt là 0,29% và 0,25% so với tháng trước đó.
Sau tháng 1/2019, CPI gần như không thay đổi so với tháng trước, thì CPI tháng 2/2019 đã tăng mạnh tới 0,8% mặc dù chủ yếu do tăng giá dịp lễ Tết, nhưng việc CPI một tháng tăng cao như vậy là chưa hề xảy ra kể từ tháng 8/2017. Đóng góp tới 0,48% mức tăng của CPI tháng 2/2019 là do giá nhóm hàng ăn và dịch vụ tăng 1,73%, đặc biệt giá thực phẩm tăng tới 2,13%, trong đó giá thịt lợn tăng 3,14%, thịt bò tăng 2,84%, thuỷ sản tươi sống tăng 2,81% và thịt gia cầm tươi sống tăng 2,05%.
Rõ ràng, nếu chủ quan với biến động giá cả và thị trường lương thực thực phẩm vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hoá dịch vụ tính CPI thì biến động CPI theo tháng vẫn có thể làm gia tăng rủi ro lạm phát và đe doạ mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm.
Thứ tư, chủ động kiểm soát lạm phát thông qua phối hợp chính sách tài khoá chặt chẽ với chính sách tiền tệ linh hoạt. Suốt cả năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát tốt lạm phát.
Tính đến 20/12/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,34% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 14,19%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 11,56% (cùng kỳ năm 2017 tăng 14,5%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,30% (cùng kỳ năm 2017 tăng 16,96%).
Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 7,3%/năm. Lãi suất cho vay VND phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn và 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Ổn định lãi suất vững chắc đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân cũng như sự phát triển của thị trường tiền tệ tín dụng. Theo đó, tổng tín dụng cho nền kinh tế tương đương 134% GDP, trong đó tín dụng cho lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 16,6% thông qua giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%; đồng thời nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 200%.
Sang quý I/2019, tính đến 20/3/2019, tổng phương tiện thanh toán cũng chỉ tăng 2,54% (cùng kỳ năm trước tăng 3,23%) và tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 1,72% (cùng kỳ năm trước tăng 2,2%), còn tổng tín dụng tăng 1,9% (cùng kỳ năm trước tăng 2,23%) so với cuối năm 2018 đã chứng tỏ sự kiên định thực thi chính sách tiền tệ thận trọng đã góp phần giảm thiểu rủi ro lạm phát với lạm phát cơ bản bình quân quý I chỉ tăng 1,83%.
Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2018, tỷ lệ huy động vào ngân sách giữ ở mức hợp lý khoảng 24,5% GDP, riêng từ thuế và phí là 20,7% GDP. Tổng chi ngân sách nhà nước đến 15/12/2018 là 1.272,1 nghìn tỷ đồng, mới bằng 83,5% dự toán cả năm, trong đó chi thường xuyên đạt 874,5 nghìn tỷ đồng, bằng 93%; chi đầu tư phát triển 260,2 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1%; chi trả nợ lãi 102,2 nghìn tỷ đồng, bằng 90,8%.
Nhờ phối hợp tốt chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ nên lạm phát cơ bản tháng 12/2018 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017. Tính đến 15/3/2019, tổng thu ngân sách nhà nước đã đạt 19,7% dự toán cả năm với 278,6 ngàn tỷ đồng – cao hơn tổng chi ngân sách tới 24,1 ngàn tỷ đồng nên rủi ro lạm phát từ phía ngân sách nhà nước đã được giải tỏa rõ rệt.
Thứ năm, rõ ràng, CPI hàng tháng năm 2018 đã không biến động quá mức như năm 2017. Thị trường quốc tế không có biến động quá bất thường trong năm 2018 và chỉ số giá xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát cả năm 2018. Bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 vẫn đạt kỷ lục 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7%. Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu năm 2018 là 237,51 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 94,80 tỷ USD, tăng 11,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 142,71 tỷ USD, tăng 11,6%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm tăng 9,5% so với năm 2017.
Chính sách tỷ giá hối đoái chủ động, linh hoạt đi đôi với chính sách thuế xuất khẩu nhập khẩu hợp lý cũng như cải cách hành chính mạnh mẽ trong lĩnh vực hải quan đã góp phần làm nên những kết quả tích cực trong lĩnh vực thương mại của Việt Nam. Đặc biệt năm 2018, Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục tới 7,2 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD.
Trong khi đồng tiền nhiều quốc gia trên thế giới đã mất giá tới 10 - 20% trong năm 2018 do chính sách tăng lãi suất tới 4 lần của Mỹ và biến động thị trường hàng hoá, dịch vụ và tiền tệ toàn cầu, thì chỉ số giá USD của Việt Nam cuối năm 2018 chỉ tăng 2,69% so với cuối năm 2017, bình quân cả năm 2018 thậm chí chỉ tăng 1,29%.
NHNN Việt Nam tiếp tục điều hành tỷ giá hối đoái thông qua cơ chế tỷ giá hối đoái trung tâm với mức tăng đến cuối năm 2018 là 1,87%, lên mốc 22.825 đồng/USD, trong khi nỗ lực chống đô-la hoá đã kiềm chế tỷ trọng ngoại tệ trong tổng vốn huy động dưới 10%. Sang quý I/2019, cán cân thương mại hàng hoá tiếp tục thặng dư hơn nửa tỷ USD do kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng 4,7% (riêng khu vực kinh tế trong nước tăng 9,7%), trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD bình quân quý I tăng 2,2%, song lại giảm nhẹ 0,44% so với cuối năm 2018.
Căn cứ vững chắc để duy trì tính ổn định cho lãi suất và tỷ giá
Chúng ta bước vào năm 2019 với nhiều hy vọng về một tương lai tươi sáng sau một năm kinh tế 2018 đã đạt được những thành công hơn cả mong đợi trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều biến động phức tạp với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc.
Giữa bộn bề tái cơ cấu nền kinh tế, kiên quyết khắc phục những tồn tại, thậm chí sai lầm tích tụ trong giai đoạn trước và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, từ năm 2017, nền kinh tế nước ta đã có tín hiệu khởi đầu giai đoạn tăng trưởng mới với tốc độ cao hơn, ổn định và bền vững hơn. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ tiếp tục đà tăng vững chắc quanh mốc 7% - tốc độ tăng trưởng không quá nóng và phù hợp với mục tiêu tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp nền tảng đến những ngành công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn.
Năm 2019 chắc chắn sẽ là năm nền kinh tế tiếp tục khẳng định và phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động. Theo đó, chúng ta có quyền hy vọng về một nền kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc với tốc độ lạm phát khoảng 4 - 5% đi đôi với thặng dư cán cân thương mại, cán cân thanh toán và quy mô dự trữ ngoại hối lập kỷ lục mới góp phần củng cố sức mạnh tài chính quốc gia.
Việc phối hợp đồng bộ hai chính sách kinh tế vĩ mô cơ bản là chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ sẽ mang lại những kết quả rõ rệt ngay trong năm 2019 khi kỷ luật tài khoá được củng cố và tuân thủ nghiêm ngặt giúp cho thâm hụt ngân sách nhà nước giữ dưới mức 3,5% GDP, còn tốc độ tăng tổng tín dụng cho nền kinh tế cũng như tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán không vượt quá 20%.
Đó là những căn cứ vững chắc để duy trì tính ổn định cho lãi suất tín dụng và tỷ giá hối đoái - những biến số sống còn đối với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng thông qua thực hiện những cam kết quốc tế của gần 20 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.
Tóm lại, lạm phát năm 2018 và quý I/2019 vẫn hoàn toàn nằm trong mục tiêu quản lý điều hành và là kết quả đáng ghi nhận. Dự báo lạm phát năm 2019 sẽ lặp lại kịch bản tương tự 2018. Tuy có thể có yếu tố giá nhiên liệu tăng cao hơn và tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhưng nếu một mặt rút được những bài học kinh nghiệm trong quản lý điều hành từ quá khứ thì mục tiêu lạm phát dưới 4% không phải là không thể.
Mặt khác, năm 2019 có thể chủ động đưa mục tiêu lạm phát lên 5%, thay vì 4% như mấy năm gần đây để tạo dư địa cho chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vượt mốc mà vẫn kiểm soát tốt lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận