Room cho vay margin tại các công ty chứng khoán hiện còn lớn
Trong phiên giao dịch hôm nay (24/10), chỉ số VN-Index giảm 13,5 điểm trong khi VN30 mất đi 20 điểm, thậm chí mã VHM, STB còn lộ giá sàn. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan ngại việc dư nợ cho vay margin cao kỷ lục tại các công ty chứng khoán sẽ gây áp lực lên thị trường trong những ngày tới. Số liệu cho thấy đây không phải là điều đáng lo ở thời điểm này.
Sau khi VNI-Index thiết lập đáy mới tại khu vực 1185 điểm vào ngày 5/8/2024, cuối phiên hôm nay (24/10) chỉ số này đã tăng được 70 điểm (6%). Trong khoảng thời gian này có khá nhiều cổ phiếu đã tiến về mức đỉnh cao nhất trong quá khứ hoặc thậm chí thiết lập cột mốc cao hơn. Dễ thấy nhất đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là những cổ phiếu nằm trong rổ VN30.
Nếu quan sát kỹ, kể từ đầu năm cho tới nay, đặc biệt là trong quý 3, dòng tiền lựa chọn tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, nằm trong rổ VN30. Thanh khoản hàng ngày của nhóm này thường chiếm hơn một nửa thanh khoản của toàn thị trường.
Chính vì sự tập trung cao của dòng tiền như vậy đã đẩy mức chênh lệch về điểm số giữa chỉ số này với VN-Index hiện đứng ở mức 70 điểm. Có thời điểm, mức chênh lệch này thậm chí còn cao hơn. Điều đáng lưu ý là, ở thời điểm mà cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ được nhà đầu tư ưa thích hồi giữa năm 2023, có lúc điểm số của VN30 tụt lại so với VN-Index tới vài chục điểm.
Trên thực tế, do chất lượng của các cổ phiếu trong rổ VN30 thường được đánh giá cao hơn so với các cổ phiếu nằm ngoài rổ này nên thường thì tỷ lệ cho vay margin của các công ty chứng khoán đối với các cổ phiếu này cũng cao hơn.
Thực tế giao dịch của nhiều nhà đầu tư cá nhân cho thấy, sau quá trình điều chỉnh của thị trường, khi điểm đảo chiều được xác nhận, các nhà đầu tư có kinh nghiệm thường đẩy mạnh sử dụng đòn bẩy tài chính để đảm bảo tỷ lệ rủi ro là thấp nhất cho vị thế của mình, vừa gia tăng lợi nhuận nhanh chóng trong quá trình đi lên của cổ phiếu. Do thị trường tạo đáy vào ngày 5/8 nên trong khoảng vài ngày sau đó, sau khi có tín hiệu xác nhận, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn vay margin để đầu tư, nhiều người thậm chí đã vay hết hạn mức tại thời điểm này.
Ngoài ra, mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu nằm trong rổ VN30 tại thời điểm ngày 5/8 cũng cao hơn so với thời điểm đầu năm và thấp hơn không nhiều so với mức đỉnh của quý 2, khi thị trường tạo đỉnh vào ngày 13/6, do khả năng chống chịu của các cổ phiếu nằm trong rổ VN30 trong những nhịp điều chỉnh của thị trường chung là tốt hơn.
Những nguyên nhân nói trên đã đẩy dư nợ cho vay cho vay margin trên toàn thị trường trong quý 3 năm nay ở mức kỷ lục. Thống kê sơ bộ cho thấy, tại ngày 30/9/2024, dư nợ cho vay tại các CTCK ước tính vào khoảng 230.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7.000 tỷ đồng so với quý trước đó
Thời gian tới, không loại trừ khả năng dư nợ margin còn có thể tiếp tục tiến lên những đỉnh cao mới khi các công ty chứng khoán vẫn còn nhiều dư địa để cho vay thêm.
Căn cứ vào vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán hiện nay, về lý thuyết, ước tính số tiền mà các công ty chứng khoán hiện còn có thể cho vay thêm là vào khoảng 270.000 tỷ đồng. Tỷ lệ dư nợ cho vay margin so với vốn chủ sở hữu hiện tại nhiều công ty chứng khoán vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh, cũng như mức an toàn theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng margin sẽ không thể là áp lực lên thị trường vào thời điểm này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận