Rộng cửa hợp tác Việt -Mỹ
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 10/9, PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ nhận định, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là việc đáng làm, là điều tất yếu phải đến và tiềm năng hợp tác còn nhiều.
Lãnh đạo Việt Nam và Mỹ vừa nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của quyết định này?
Nếu hai bên đạt được mức độ phát triển tốt hơn thì sẽ tạo thêm niềm tin cho các chủ thể của hai bên, giúp các doanh nghiệp tin tưởng, lạc quan vào triển vọng hợp tác, cơ hội làm ăn ở thị trường của hai bên, tạo điều kiện thúc đẩy trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác và giúp hoạt động kinh tế sôi động hơn nữa.
Ông đánh giá như thế nào về việc Việt Nam và Mỹ sau 28 năm bình thường hoá quan hệ đã nâng cấp lên Đối tác toàn diện, sau 10 năm lại nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện?
Tôi cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ là chuyện bình thường, không phải nhảy vọt mà là xác định đúng mức hơn. Bản chất hợp tác Việt - Mỹ đã rất sâu sắc, rất phát triển. Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là một trong hai đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ ở ASEAN. Thực tế mối quan hệ này đã ở mức độ phát triển rất cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, trong đó có một số quốc gia ở mức Đối tác chiến lược toàn diện. Vì thế, tôi nghĩ việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là việc đáng làm, là điều tất yếu phải đến.
Theo ông, những yếu tố nào giúp quan hệ giữa hai nước phát triển được đến mức độ như ngày nay?
Để hai nước đạt được mức độ hợp tác như hiện nay, thực tế là do nhu cầu hợp tác của hai bên. Hai bên là những đối tác rất quan trọng của nhau. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, là trung tâm công nghệ, nơi tập trung các tập đoàn đa quốc gia và cũng là trung tâm về nguồn vốn. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đang tích cực đổi mới, cải cách và có nhiều tiềm năng phát triển. Điều đó tự nhiên đưa đến cơ hội hợp tác làm ăn kinh tế giữa hai bên. Hai bên đã thúc đẩy được quan hệ này. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến phát triển thịnh vượng, an ninh toàn cầu và khu vực, Mỹ cũng là quốc gia có vai trò lớn ở khu vực và trên thế giới trong việc gìn giữ, đảm bảo an ninh, trật tự toàn cầu, không chỉ là an ninh truyền thống mà cả an ninh phi truyền thống như chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia phát triển nhanh, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, Mỹ rất cần Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược hướng về châu Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là một quốc gia tích cực, năng động trong ASEAN. Đó là nhân tố hấp dẫn, đưa hai quốc gia gần gũi với nhau, cùng tương trợ, cùng phát triển vì thịnh vượng của khu vực và hai bên.
Các quan chức Mỹ đã nhiều lần nói đến những lĩnh vực hợp tác mới của hai nước trong thời gian tới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuỗi cung ứng, đổi mới sáng tạo… Ông đánh giá như thế nào về trụ cột hợp tác mới trong quan hệ Việt - Mỹ những năm tới?
Có xu hướng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn. Đó là những lĩnh vực mới và rất tiềm năng trong hợp tác Việt - Mỹ những năm tới. Mỹ đang nỗ lực bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, có sức chống chịu tốt, nhất là những mặt hàng công nghệ. Mỹ muốn giảm phụ thuộc vào một nguồn cung và tìm kiếm cơ hội ở thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là quốc gia tiềm năng trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, nội dung hợp tác về chuỗi cung ứng, công nghệ cao sẽ là một trong những trọng tâm mà Mỹ thúc đẩy. Ngoài ra, các lĩnh vực như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh sạch… cũng sẽ được đẩy mạnh. Việt Nam cũng đang rất chú trọng những lĩnh vực này, trong khi Mỹ có thế mạnh lớn, vì thế hai bên sẽ tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong tương lai về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững…
Ngoài ra, Mỹ đang muốn thể hiện cho các quốc gia khu vực thấy rằng Mỹ không chỉ chú trọng vấn đề an ninh, mà còn đề cao kinh tế và thịnh vượng. Mỹ sẽ chọn đối tác tin cậy trong các lĩnh vực đó để phát triển kinh tế của mình và đảm bảo an ninh, thịnh vượng cho khu vực.
Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden diễn ra ở cấp Nhà nước, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau vào năm 2015 khi Tổng Bí thư thăm Washington DC. Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa các cá nhân lãnh đạo với nhau trong việc đưa quan hệ Việt Nam và Mỹ càng lúc càng gần gũi và sâu sắc?
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ năm 2015 là chuyến thăm lịch sử, thể hiện rằng Mỹ rất tôn trọng Việt Nam, tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị để xoá bỏ khác biệt và tiến tới thúc đẩy hợp tác, vì lợi ích chung của hai bên. Điều đó cho thấy Mỹ nhìn nhận Việt Nam thực chất hơn, coi trọng người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước Việt Nam trong suốt những năm qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận