Reuters: Nga vẫn chuyển hàng triệu tấn khí đốt tới châu Âu qua Ukraine
Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom vẫn tiếp tục vận chuyển hàng triệu tấn khí đốt tới châu Âu qua Ukraine khi các yêu cầu cung cấp năng lượng vẫn tiếp tục mặc dù ở mức thấp hơn năm ngoái, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Gazprom cho hay.
Theo đó, Gazprom cho biết các khách hàng châu Âu của họ đã yêu cầu 57 triệu m3 khí đốt vào ngày 17/4. Mặc dù con số này giảm đáng kể so với mức 91,3 triệu m3 của tuần trước (vào ngày 8/4) nhưng vẫn thể hiện rằng EU chưa thể lập tức rũ bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Trong năm 2020, Gazprom đã trả cho Tập đoàn năng lượng nhà nước Naftogaz của Ukraine 2,11 tỷ USD để được sử dụng đường ống trung chuyển trong lãnh thổ nước này.
Breugel, tổ chức tư vấn châu Âu chuyên về kinh tế, cho biết lượng khí đốt của Nga vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine đã ở mức tối đa theo hợp đồng từ cuối tháng 2, sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tuy nhiên bắt đầu giảm nhẹ từ giữa tháng 3. Trong tuần đầu tiên của tháng 4, con số này thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm 2021.
EU tiêu thụ khoảng 400 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, trong đó 40-45% nhập khẩu từ Nga. Dù vậy, trong bối cảnh căng thẳng với Nga leo thang mạnh mẽ thời gian gần đây, châu Âu đang đẩy nhanh nỗ lực tìm phương án thay thế nhằm “cai nghiện” hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga.
Châu Âu, đặc biệt là Đức, đang phải dựa vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Moscow.
Bộ Tài chính Đức ngày 15/4 cho biết nước này đã chi gần 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD) để thuê các trạm nhập khẩu LNG nổi ở ngoài khơi, nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Ý cũng đang giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tăng cường nhập khẩu từ các nước như Ai Cập và Algeria.
Eni, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Ý, gần đây đã ký một thỏa thuận khung với Công ty Cổ phần Khí đốt Tự nhiên Ai Cập (EGAS) thuộc sở hữu nhà nước, theo đó sẽ giúp tối đa hóa sản lượng khí đốt và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Ý đồng thời tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Algeria lên khoảng 40%.
Trong tháng này, các nước Baltic bao gồm Litva, Latvia và Estonia cũng đã cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga.
Chính phủ Séc mới đây cũng cho biết nước này đang có các bước chuẩn bị cho sự gián đoạn trong việc nhập khẩu khí đốt từ Nga vì Moscow đang kiên quyết yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble với các đơn hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận