Ráo mồ hôi là hết tiền, nguy cơ vướng bẫy thu nhập trung bình
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt khi dịch COVID-19 đang bào mòn đơn hàng và lợi nhuận.
Theo Bộ Công thương, để tránh được bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần duy trì đà tăng trưởng và vai trò của ngành sản xuất chế biến chế tạo lớn hơn trong giai đoạn tới.
Đầu tư sản xuất là... canh bạc?!: vốn nhiều, lãi ít
Ông Kiều Huỳnh Sơn - giám đốc Công ty chế tạo máy Việt Sơn, người cả đời gắn bó với ngành cơ khí - khi có chút vốn tích góp đã mở thêm nhà máy ở TP.HCM. Do không có khu công nghiệp nào có quy hoạch riêng cho ngành sản xuất cơ khí nên ông Sơn kêu gọi bạn cùng tìm địa điểm trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung nhằm tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy, hai doanh nghiệp giảm bớt được các hạng mục: bên thì đầu tư trạm cân và hệ thống phun cát, còn bên thì mua máy siêu trường siêu trọng, kết cấu lớn.
Ông nói nếu công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên quy hoạch thành các khu sản xuất tập trung, mang tính chuyên môn hóa cao thì doanh nghiệp đỡ "vất vả" hơn bởi vừa giảm chi phí, kết nối các nguồn lực, gia tăng thêm khách hàng thay vì sản xuất phân tán như hiện nay.
Mấy chục năm lăn lộn trong nghề, ông Sơn thừa nhận ngành sản xuất công nghiệp ở Việt Nam chưa lúc nào là "dễ thở". Với nhà máy mới đầu tư, ông đã rót vào 4 triệu USD, hoàn thiện cơ bản hạ tầng và máy móc thiết bị thì... cạn vốn.
Trong khi đó, đầu ra thị trường gặp không ít khó khăn, khách hàng yêu cầu cao, đặt mua các cụm linh kiện với số lượng và thời gian giao hàng nhanh, giá cả cạnh tranh nên sau khi trừ các chi phí doanh nghiệp gần như không có lãi.
"Vừa rồi chúng tôi mới nhận đơn hàng từ Nhật Bản, chủ yếu để thử nghiệm xuất khẩu tại chỗ với quy mô 500 chi tiết linh kiện, song hầu như lợi nhuận không có, chưa kể dịch bệnh khiến các đơn hàng giao bị chậm lại. Doanh nghiệp đầu tư phần cứng, hạ tầng đã hết tiền nên để hoàn thiện hơn năng lực, đáp ứng yêu cầu cao hơn của chuỗi cung ứng cần phải củng cố thêm phần mềm, quản trị, nguồn lực và công nghệ.
Nhưng để đầu tư bài bản cũng phải cả trăm ngàn đôla, tôi chưa dám nghĩ tới. Còn với năng lực hiện tại mới chỉ làm đơn hàng nhỏ lẻ, chứ chưa đủ năng lực và sức cạnh tranh để tiếp cận thị trường rộng hơn", ông Sơn chia sẻ.
Tăng sức cạnh tranh, cần ngành công nghiệp bứt tốc
Bà Trương Thị Chí Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) - cho hay từ vài năm nay, nhu cầu chuyển dịch chuỗi sản xuất hay đặt hàng sang các nước thứ ba ngoài Trung Quốc có xu hướng tăng. Tuy vậy, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hầu như khó đáp ứng yêu cầu, trong khi nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia... lại có lợi thế hơn hẳn.
Nguyên nhân là bởi quy mô doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, trung bình là dưới 200 lao động, doanh thu dưới 5 triệu USD nên chủ yếu cung cấp được đơn hàng nhỏ, linh kiện rời và chỉ có một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Để tham gia được chuỗi cung ứng với cụm linh kiện hoàn chỉnh, doanh nghiệp phải gửi sang Thái Lan hoặc Trung Quốc gia công rồi gửi về khiến chi phí tăng thêm.
Theo một chuyên gia, thực tế phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam đang khiến chúng ta có nguy cơ bị mắc kẹt vào bẫy thu nhập trung bình do mức tăng trưởng và giá trị mang lại hạn chế. Thực tế của các nước đi trước cho thấy thời gian để từ nước thu nhập trung bình trở thành nước thu nhập cao phụ thuộc rất nhiều vào thành quả của quá trình công nghiệp hóa, kết quả hoạt động của ngành sản xuất chế biến chế tạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận