Rào cản logistics
Logistics được ví như huyết mạch nền kinh tế, nếu không chảy thông sẽ tác động tới việc phát triển. Do vậy, Việt Nam cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa ngành logistics, để chủ động, nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình.
Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Đây là một con số kỷ lục trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Kỳ tích là vậy nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang phải đối mặt với bộn bề nỗi lo, đặc biệt là phí logistics quá cao, quá sức chịu đựng.
Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Đồng Nai nhưng chỉ xuất được 50% sản lượng do đứt gãy logistics, không thuê được container.
Với các doanh nghiệp thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, hơn một năm trước không doanh nghiệp nào tưởng tượng rằng cước phí logistics đường biển lại cao như vậy. Đơn cử đi thị trường Âu, Mỹ cao nhất là 3.500 USD/container, bây giờ dao động trong khoảng 12.000 - 17.000 USD/container; đi Trung Đông trước không đến 1.500 USD/container, giờ tăng lên 10.000-11.000 USD/container.
Thêm vào đó là các loại phí “tự đẻ” ngày càng tăng như phí nhiên liệu sạch, cân bằng container, phí kẹt cảng... Tuy nhiên, lo hơn nữa là khó đặt được chỗ trên tàu. Trong khi đó, ngành thủy sản Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ như Ecuador, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ.
Chưa kể, doanh nghiệp còn đối mặt với tình trạng kẹt cảng, có khi kéo dài thời gian giao hàng đến 2-3 tháng, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm.
Thấu hiểu nỗi khổ mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt và chủ động ứng phó, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT có thông báo kịp thời cho doanh nghiệp về hoạt động giao thương, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cùng về vấn đề này, giải pháp mà các doanh nghiệp thủy sản trông chờ là sự hỗ trợ của Cục Hàng hải, Bộ Giao thông-Vận tải trong việc đàm phán với các hãng tàu lớn trong việc giảm bớt chi phí, còn doanh nghiệp sẽ chủ động sản xuất để tránh tình trạng hàng nhiều mà không thể xuất đi được, cố gắng có hợp đồng dài hạn với đối tác dịch vụ tàu biển, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Trong khi đó, ở một diễn biến liên quan, theo ông Trần Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco), phí vận tải biển lên cao, các doanh nghiệp có thể chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải đường sắt. Khi mà giá cả gần ngang nhau ở các loại hình vận tải thì đường sắt sẽ có ưu thế là rút ngắn thời gian hơn.
Hiện, trung bình giá cước đường sắt dao động trong khoảng 12.000 - 15.000 USD/container tùy điểm đến ở châu Âu. Tuy nhiên, việc đi đường sắt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian hơn. Ratraco đang phối hợp với nhà xuất khẩu tổ chức 1 tuần 3 đoàn tàu chuyên chở hàng từ Việt Nam sang châu Âu.
Hiện nay, ngành dịch vụ logistics vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, logistics được ví như huyết mạch nền kinh tế, nếu không chảy thông sẽ tác động tới việc phát triển. Do vậy, Việt Nam cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa ngành logistics, để chủ động, nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận