24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Rà soát sự chồng chéo của các văn bản luật để hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi”

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã bước đầu tiến hành rà soát sự chồng chéo trong các văn bản luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh hiện nay.

Trong phiên họp Chính phủ về pháp luật sáng nay (5/8), TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đãphát biểu về tình trạng này cũng như đề xuất một số giải pháp...Báo Diễn đàn Doanh nghiệp xin được đăng toàn bộ báo cáo của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI.Những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Chính phủ cũng thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ loạt nghị quyết 19, nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc cắt giảm và đơn giản hoá các điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được triển khai trong những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, nếu được triển khai một cách thực chất, đây sẽ là một dấu ấn đột phá.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa thực sự thông thoáng, không gian cải cách vẫn rất lớn. Một trong những bất cập lớn được các địa phương và doanh nghiệp phản ánh hiện nay là tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều các quy định pháp luật. Điển hình nhất là sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian vừa qua, VCCI thực hiện việc thu thập, hệ thống lại, làm rõ những điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật. Tuần trước, chúng tôi đã có báo cáo nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ về 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu. Trong thời gian từ giờ đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tập hợp và thống kê hệ thống hoá các điểm chồng chéo, xung đột giữa các văn bản pháp luật và sẽ có báo cáo với Thủ tướng, với Chính phủ vào tháng 12 tới.

Một số điểm xung đột, chồng chéođiển hình như sau:

- Xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ởgiữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở;

- Xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai;

- Xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư;

- Xung đột về thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường;

- Xung đột về thời điểm cấp Giấy phép quy hoạch giữa Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở;

- Xung đột về thời điểm thẩm định nhu cầu sử dụng đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư;

- Trùng lặp về phê duyệt quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giữa Luật Đầu tư và Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở;

- Không thống nhất về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai;

- Quy định ngược nhau về việc bố trí khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư;

- Không tương thích về quyền cho thuê tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự;

- Xung đột về thời gian chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai;

- Không tương thích về miễn giảm tiền thuế đất đối với dự án thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai;

- Không tương thích về phạm vi dự án phải ký quỹ giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai;

- Chồng chéo thủ tục xin phép chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản;

- Không thống nhất về quyền chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai;

- Khác nhau về trình tự, thủ tục đầu tư dự án quy mô 5000 tỷ đồng trở lên giữa Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Xây dựng;

- Không thống nhất về lựa chọn nhà thầu thẩm tra thiết kế, dự toán giữa Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu.

Việc xung đột, chồng chéo này tác động lớn đến các dự án đầu tư, không rõ các trình tự để thực hiện các thủ tục cũng như không rõ quan hệ của các đạo luật (con gà hay quả trứng có trước). Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh:

Về phía doanh nghiệp: Khi làm thủ tục, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau. Chi phí giao dịch rất tốn kém. Trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan khác nhau nhưng lại có nội dung trùng nhau. Không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí mà rủi ro nhất đối với doanh nghiệp là nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết phải thực hiện theo quy định nào, thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước: Sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan thực thi chính sách trở nên lúng túng, bị động khi phải giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Tâm lý sợ rủi ro, sợ sai rất phổ biến trong bộ máy nhà nước từ thực trạng chồng chéo, xung đột pháp luật này. Có tình trạng ở nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ ngành hiện nay là không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ và nhiều việc phải đẩy lên đến cấp Thủ tướng, cấp Chính phủ. Việc chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua là một ví dụ điển hình. Nhưng không chỉ đầu tư công mà cả đầu tư tư nhân cũng bị đình trệ.

Nhìn chung, các xung đột, chồng chéo này đã hạn chế các tác động tích cực trong thực thi các đạo luật, tạo ra cản trở trong quá trình thực thi trên thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Xung đột này đã tạo ra thực tiễn thực thi rất khác nhau giữa các địa phương. Nó cũng là cơ hội phát sinh các nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện dự án.

Về nguyên tắc, thì luật ban hành sau được ưu tiên so với luật ban hành trước, nhưng trên thực tế, Bộ ngành nào khi giải quyết công việc cũng thường viện dẫn luật của bộ ngành mình. Việc xử lý của cơ quan thanh kiểm tra cũng thường thiếu nhất quán, cho nên hiện tượng né tránh, sợ sai, lo an toàn cho mình và đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp vẫn khá phổ biến.

Nguyên nhâncủa thực trạng này chủ yếu là do pháp luật Việt Nam hiện đang trong tình trạng bị phân mảng mà chưa phải là một hệ thống đồng bộ, minh bạch. Có người gọi đây là hiện tượng “pháp luật cục bộ”. Mặc dù tất cả các đạo luật đều do Quốc hội ban hành và hầu hết các đạo luật đều do Chính phủ trình Quốc hội thông qua, nhưng đâu đó người ta vẫn quen gọi Luật của Bộ này, Nghị định của Bộ kia là có lí do.

Trong quá trình soạn thảo luật, các bộ chuyên ngành được giao chủ trì soạn thảo đều cố gắng mở rộng tối đa phạm vi điều chỉnh của đạo luật, bao quát các vấn đề của đạo luật, ít chú ý đến sự chồng chéo, xung đột với các quy định pháp luật đã có sẵn. Thậm chí, có trường hợp còn cố tình co kéo thêm quyền cấp phép, quyền thanh kiểm tra về cho cơ quan, bộ ngành mình.

Thêm vào đó, theo chúng tôi, hiện đang thiếu một một cơ chế phù hợp, một cơ quan trung gian đủ mạnh để thúc đẩy rà soát và có tiếng nói phản biện đủ khách quan và độc lập để tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi để khắc phục và ngăn chặn những chồng chéo, xung đột trong quá trình xây dựng và sửa đổi pháp luật.

Hiện nay, việc giải quyết xung đột, chồng chéo chủ yếu phụ thuộc vào việc tranh luận và thoả hiệp giữa các bộ ngành trong quá trình soạn thảo. Tuy vậy, một số cán bộ có trách nhiệm tham gia xây dựng pháp luật có tâm lý không quan tâm đến những công việc nếu không ảnh hưởng đến bộ ngành mình hoặc “dĩ hòa vi quý” không muốn gây căng thẳng với bộ ngành khác nên vẫn chấp nhận tình trạng những nội dung, những điểm chồng chéo, xung đột được đưa vào văn bản pháp luật.

Thời gian tới, giải pháp để khắc phục tình trạng này, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau:

-Tiến hành rà soát, đánh giá thực tế quy mô và toàn diện về thực trạng và thực tế xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể để lồng ghép vào chương trình hành động chung của Chính phủ để sửa các luật hiện đã có trong chương trình các kỳ họp tới. Chính phủ ban hành hoặc trình Uỷ ban Thương vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để có định hướng sửa đổi chung;

- Chỉ đạo việc phối hợp làm việc, chia sẻ thông tin và thống nhất định hướng giữa các ban soạn thảo tại các Bộ, ngành để tháo gỡ và ngăn ngừa phát sinh được các chồng chéo, xung đột trong các dự thảo luật hiện đang nằm trong chương trình sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai…;

- Để rút ngắn thời gian, tháo gỡ ách tắc với những văn bản khác chưa giải quyết được trong các luật đã nằm trong chương trình sửa đổi, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội triển khai theo cách thức dùng một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp;

- Chúng tôi cũng đề nghị cần có một tổ chức độc lập đứng ra giúp Chính phủ chủ trì rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực này. Hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và đưa ra được các giải pháp đột phá trong cải cách các thủ tục liên ngành.

- Ở các Bộ ngành, chúng tôi cũng đề nghị, nên giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, chính sách cho một tổ chức độc lập thuộc Bộ (Ví dụ: Vụ Pháp chế, Viện thuộc Bộ…) chứ không nên giao cho các Vụ, Cục đang đảm nhận nhiệm vụ thực thi pháp luật, xét duyệt và cấp phát các loại giấy phép. Việc tách hoạt động xây dựng chính sách thuế ra khỏi Tổng cục Thuế của Bộ Tài chính là một thực tiễn tốt có thể tham khảo và nhân rộng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả