Quyết sách của FED và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam kỳ vọng thị trường chứng khoán đến năm 2024 sẽ bứt phá nhờ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước và ảnh hưởng tích cực từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước…
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế đang ổn định, các nhà hoạch định chính sách trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu nhất trí giữ nguyên lãi suất ở vùng 5,25% - 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, các nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo sẽ không tăng thêm lãi suất.
Cùng với quyết định giữ nguyên lãi suất, các thành viên FOMC dự kiến ít nhất 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Con số này thấp hơn dự đoán của giới đầu tư là 4 lần, nhưng quyết liệt hơn so với dự báo của FED tại cuộc họp hôm tháng 9/2023.
Dù vậy, thông tin này không đem lại sự hào hứng cho phiên 14/12 như kỳ vọng của giới đầu tư trong nước, chỉ số VN-Index giao dịch với tâm lý thận trọng.
Theo đó, VN-Index mở cửa tăng nhẹ hơn 6 điểm lên 1.120,36 điểm, nhưng tăng yếu và tăng ngắn, chỉ số chính sau đó diễn biến lình xình trong gần như cả phiên sáng. Cho đến nửa sau phiên chiều, lực bán dâng cao đã đẩy VN-Index giảm hơn 6 điểm về 1.108,02 điểm. Dù vậy, nhờ việc cổ phiếu trụ không diễn biến quá xấu, VN-Index về cuối phiên thu hẹp đà giảm còn 4,07 điểm (tương đương 0,37%) xuống 1.110,13 điểm.
Vậy điều gì khiến dòng tiền vẫn thận trọng? Diễn biến thị trường trong thời gian tới sẽ thế nào? Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn với ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam.
PV: Theo đánh giá của ông, thông tin FED giữ nguyên mức lãi suất năm 2023 và phát tín hiệu có thể giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 sẽ tác động thế nào với nền kinh tế Việt Nam?
Ông Trương Hiền Phương: Rõ ràng là tích cực. Trong năm 2023, việc FED liên tục tăng lãi suất lên ngưỡng 5,25 – 5,5% (cao nhất từ năm 2001) đã khiến gần như các Ngân hàng Trung ương cũng phải nằm trong xu hướng tăng theo. Bởi, với chính sách từ FED, giá trị đồng USD tăng và có xu hướng hút tiền từ các thị trường mới nổi và cận biên (trong đó có Việt Nam) về lại Hoa Kỳ. Đối với Việt Nam, điều này đã gây áp lực lên “tỷ giá”, và cản đường giảm lãi suất – một mục tiêu mà nhà quản lý tiền tệ hướng đến.
Việc FED giữ nguyên lãi suất năm 2023 và có thể giảm 3 lần trong năm 2024 rõ ràng sẽ giúp các NHTW trên thế giới có dư địa mạnh tay để tiếp tục giảm lãi suất điều hành của mình.
Điều này cũng giúp Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam duy trì mức lãi suất thấp, đặc biệt lãi suất huy động bằng USD sẽ giảm hơn so với trước đây. Từ đó, sẽ góp phần giảm chi phí huy động vốn của Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam khi đi huy động vốn nước ngoài, nhất là trái phiếu quốc tế. Ngoài ra, việc giảm lãi suất sẽ khiến áp lực tỷ giá đối với đồng VND được giảm đi.
Cùng với đó, mức lãi suất thấp sẽ làm chi phí lãi vay doanh nghiệp giảm, và giúp cải thiện lợi nhuận. Các doanh nghiệp nhờ vậy sẽ mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần giúp GDP của nền kinh tế tăng trưởng.
Mặt khác, việc FED nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ khiến dòng tiền có khuynh hướng đầu tư ở các quốc gia mới nổi, đang phát triển (trong đó có Việt Nam) dưới hai dạng đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.
PV: Vậy còn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam?
Ông Trương Hiền Phương: Các quyết sách của FED đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư, do đó thị trường chứng khoán phần nào sẽ hưởng lợi. Với tâm lý tích cực như vậy, nhà đầu tư trong nước sẽ có xu hướng mạnh dạn giải ngân vào thị trường và đón đầu cơ hội thị trường tăng trưởng trong tương lai.
Mặt khác, như đã đề cập, dòng vốn đầu tư gián tiếp (khối ngoại) sẽ tìm cơ hội ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam. Dù nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) từ đầu năm tính đến phiên 14/12 đã bán ròng tổng cộng gần 21.000 tỷ đồng, nhưng tôi tin rằng xu hướng này sẽ đảo chiều trong năm 2024, thậm chí có thể đẩy mạnh giải ngân vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Hội tụ các yếu tố tích cực từ dòng tiền nội và khối ngoại, tôi tin rằng TTCK Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt.
PV: Dù vậy, TTCK trong phiên 14/12 lại giảm điểm với tâm lý giao dịch "uể oải", nguyên nhân đến từ đâu?
Ông Trương Hiền Phương: Tâm lý chủ đạo của dòng tiền phiên 14/12 là là thận trọng và chờ đợi. Hiện tại, ngoài thông tin tích cực là FED có xu hướng “bồ câu” hơn với chính sách tiền tệ, thị trường không có lực đẩy rõ ràng. Những thông tin như NHNN hạ lãi suất; Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua… đã phần nào thẩm thấu và đà phục hồi trước đó của VN-Index.
Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn các quỹ ETF hoàn tất cơ cấu danh mục kỳ cơ cấu quý IV/2023, nên nhiều nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài và chờ đợi, ít nhất là đến phiên 15/12 (hạn chốt các quỹ ETF tái cơ cấu).
Chưa kể, việc NĐTNN liên tục bán ròng cũng khiến dòng tiền trở nên bớt hào hứng và thận trọng hơn.
PV: Ông dự báo thế nào về diễn biến của thị trường chứng khoán trong phần còn lại của năm 2023?
Ông Trương Hiền Phương: Triển vọng của thị trường vẫn là rất tốt. Đà bán ròng của NĐTNN sẽ chậm dần và có thể đảo chiều mua ròng, lực bán của dòng tiền nội cũng không còn mạnh. Nhà đầu tư trong nước có thể chờ đợi các thông tin như BCTC quý IV/2023, cùng các câu chuyện riêng của từng nhóm ngành và doanh nghiệp.
Do đó, tôi nghĩ thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ đi ngang, tích lũy với khuynh hướng tăng dần từ đây dến cuối năm. Tôi đánh giá thị trường chứng khoán đến năm 2024 sẽ bứt phá nhờ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước, ảnh hưởng tích cực các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước…
Xin trân trọng cảm ơn!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận