Quỹ quản lý trên 70 triệu USD bị tổn hại vì VNĐ mất giá, nhưng vẫn lạc quan
Sức mạnh tăng lên của đồng USD khiến cho tài sản quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bị tổn hại. Tuy nhiên, họ dự báo rằng giá trị của VNĐ sẽ sớm được củng cố trong quý cuối năm, và cũng bày tỏ sự lạc quan vào triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Tháng 10/2024, tình hình tỷ giá USD/VNĐ tăng vọt trở lại làm tổn hại thành tích của các quỹ đầu tư nước ngoài, bao gồm AFC Vietnam Fund. Giá trị chứng chỉ quỹ (tính theo USD) của Quỹ giảm 3.6% trong tháng vừa qua.
Nóng trở lại
Dollar Index (DXY - thước đo thể hiện sức mạnh đồng USD) tăng vọt kể từ tháng 10/2024, sau khi hạ nhiệt về vùng thấp nhất năm
Nguồn: tradingeconomics.com
AFC Vietnam Fund thuộc quản lý của công ty Asia Frontier Capital (Vietnam) Limited. Quỹ nhắm đến sự gia tăng giá trị vốn dài hạn thông qua đầu tư vào những công ty niêm yết bị định giá thấp, chủ yếu tập trong vào các công ty nhỏ và vừa. Theo dữ liệu Bloomberg, quỹ này quản lý khối tài sản trị giá gần 74.4 triệu USD tính đến cuối tháng 9 năm nay.
Theo AFC Vietnam Fund (gọi tắt: AFC), đà giảm trên thị trường cổ phiếu Việt trong tháng 10 chủ yếu được dẫn dắt bởi xu hướng mất giá của VNĐ so với USD. Dữ liệu kinh tế Mỹ vững chắc khiến giới đầu tư dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất chậm rãi hơn, theo đó củng cố sức mạnh đồng USD trên toàn cầu.
“Tuy nhiên, chúng tôi tin sự mất giá gần đây của VNĐ chỉ là tạm thời” - Quỹ cho biết.
Những yếu tố giúp củng cố giá trị của VNĐ so với USD trong quý 4/2024, theo AFC, bao gồm: Các đợt hạ lãi suất của Fed, dòng vốn FDI dồi dào vào Việt Nam, thặng dư thương mại và dòng tiền kiều hối.
Cho cả năm nay, các nhà quản lý Quỹ hiện dự báo mức mất giá của VNĐ so với USD sẽ là 3%.
Lạc quan về kinh tế
AFC tỏ ra lạc quan về nền kinh tế với mức tăng trưởng GDP đến 7.4% trong quý 3 năm nay, dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Họ đánh giá bối cảnh tăng trưởng kinh tế diễn ra rộng khắp và cân đối giữa các lĩnh vực; đồng thời nhấn mạnh kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đạt kỷ lục sau 9 tháng.
Trong báo cáo mới nhất, Quỹ nêu quan điểm rằng, sự ổn định chính trị là yếu tố then chốt hỗ trợ triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, tạo nền tảng cho các sáng kiến kinh tế tham vọng và các kế hoạch phát triển chiến lược.
Khả quan
Mức tăng trưởng so với cùng kỳ của các chỉ tiêu kinh tế, lũy kế 9 tháng đầu năm
Đvt: %
Nguồn: Tổng Cục Thống kê (GSO), AFC Research
Triển vọng từ gói kích thích kinh tế của Trung Quốc cũng được mong đợi sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đối với Việt Nam.
Vào giữa tháng 9, các nhà quản lý tại quốc gia siêu cường châu Á đã công bố một gói kích thích trị giá 1.07 ngàn tỷ USD, tương đương khoảng 6% GDP nước này trong năm 2024, nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế.
Gói kích thích tập trung vào việc phục hồi ngành bất động sản, kích thích tiêu dùng và hồi sức cho các thị trường vốn. AFC cho rằng, sự lạc quan ban đầu đã giúp chỉ số chứng khoán Hang Seng tăng mạnh 32.9%, đạt đỉnh 23,099 điểm vào ngày 7/10, trước khi điều chỉnh trở lại do tính không chắc chắn về các biện pháp tài khóa tiếp theo.
Mặc dù các chi tiết vẫn chưa rõ ràng, giới kinh tế gia dự báo các chính sách mới của Trung Quốc vẫn sẽ nhắm mục tiêu kích thích đầu tư hiệu quả, nhu cầu tiêu dùng và ổn định thị trường bất động sản.
Theo AFC, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, “vì vậy sức khỏe của kinh tế Trung Quốc là yếu tố quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam”.
Từ năm 2010 đến 2019, tăng trưởng GDP của Trung Quốc ở mức 7.7%/năm đã giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng bình quân 25%/năm.
Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống mức bình quân 4.7%/năm trong giai đoạn từ 2020-2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm xuống mức 10.4%/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận