Quỹ PE tăng tốc
Dù dịch bệnh vẫn còn là thử thách nhưng dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (private equity - PE) trong năm 2021 được dự báo tiếp tục bứt phá.
2 tháng trước, Mekong Capital bất ngờ công bố hoàn tất gọi vốn cho quỹ thứ 5 của mình, mang tên quỹ Mekong Enterprise Fund IV Limited Partnership (MEF IV). Đáng chú ý, bất chấp bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, quỹ này đã huy động được lượng tiền lớn gấp đôi quỹ trước, đạt 246 triệu USD. Với số tiền này, quỹ MEF IV dự tính sẽ đầu tư khoảng 12 thương vụ, trung bình 10-35 triệu USD mỗi thương vụ.
Điểm đến triển vọng
Ông Chris Freund, người sáng lập và Tổng Giám đốc Mekong Capital, tin rằng, Việt Nam đã và sẽ vẫn là điểm đến đầu tư triển vọng, ổn định và hấp dẫn, như chặng đường hơn 20 năm qua. Trước MEF IV, Mekong Capital đã lập 4 quỹ PE và đạt không ít thành công với các khoản đầu tư vào Thế Giới Đi Động, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), ICP, Golden Gate, Trường Quốc tế Việt Úc (VAS)... Riêng khoản đầu tư vào Thế Giới Đi Động sau hơn 10 năm đã mang về cho Mekong Capital tỉ suất lợi nhuận 57 lần và tỉ suất hoàn vốn nội bộ là 61,1%.
Đến nay, thương vụ này vẫn là nguồn cảm hứng và là hình mẫu để Mekong Capital kiên định chiến lược đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng. Sắp tới, với tầng lớp trung lưu liên tục gia tăng, trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế, với mô hình kinh doanh dựa trên sự chuyển hóa và trải nghiệm con người, Mekong Capital kỳ vọng Việt Nam sẽ nổi bật như một “thủ đô của sự chuyển hóa” trên thế giới.
Không riêng Mekong Capital, nhiều quỹ PE cũng tăng tốc. Vietnam Investments Group (VI Group - VIG) hiện quản lý khoảng 600 triệu USD và tập trung vào những doanh nghiệp tiềm năng, có khả năng phát triển bùng nổ. VIG từng được biết đến với những thương vụ đầu tư vào Seedcom, Teko (công nghệ), VNDS (dịch vụ tài chính), Boo, Juno, Hnoss (thời trang), Gemadept, Eton (logistics), Wellspring, Sylvan Learning Việt Nam (giáo dục), TocoToco, Food Center, QSR Vietnam (tiêu dùng)... Trong tương lai, như ông Phan Thanh Lộc, Giám đốc Điều hành Quỹ VIG, chia sẻ, chiến lược đầu tư của VIG ở Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi dịch.
Ngay một số công ty quản lý quỹ chuyên về quỹ PE, quỹ đầu tư chứng khoán niêm yết cũng đã lập thêm quỹ PE. Tháng 10 năm ngoái, Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) bắt tay với các đối tác để thành lập 2 quỹ PE là quỹ VGIF và quỹ DAIWA-SSIAM III. Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) cũng có những dịch chuyển trong tài sản. Trong báo cáo cuối tháng 1.2021, VinaCapital cho biết, danh mục đầu tư vào các công ty tư nhân chiếm 15,5% tổng danh mục. Quỹ VOF hy vọng sẽ có thể đầu tư thêm vào những công ty mới và nâng tỉ trọng đầu tư vào PE của VOF lên 25% tổng danh mục.
Dòng vốn dịch chuyển
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Grant Thornton, nhận định: “Bên cạnh vốn FDI, các quỹ PE rất muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam”. Cụ thể, các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật đã rất tích cực tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam.
Theo Euromonitor International, dù giá trị các thương vụ M&A năm 2020 suy giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường M&A năng động và tiềm năng nhất toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ. CMAC dự báo thị trường M&A tại Việt Nam có thể phục hồi về mức 4,5-5 tỉ USD vào năm 2021 và bật mạnh trở lại, với giá trị 7 tỉ USD vào năm 2022.
Hiện tại, các quỹ đầu tư vẫn đang săn tìm, rót vốn vào các doanh nghiệp tiềm năng, có dự án khả thi, nhất là hoạt động trong những ngành có khả năng bùng nổ. Năm 2020, theo Grant Thornton, các ngành được quỹ đầu tư yêu thích là công nghệ tài chính (Fintech), thương mại điện tử (E-commerce) và giáo dục trực tuyến (E-learning).
Sang năm 2021, ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng Giám đốc SSIAM, nhận định, dòng vốn đầu tư PE vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong những ngành nghề bám sát nhu cầu tiêu thụ của người dân như hàng tiêu dùng, bán lẻ, y tế, giáo dục hoặc một số ngành đặc thù như năng lượng sạch/tái tạo, kho bãi, vận tải. Xu hướng số hóa và mua sắm online cũng mang tới cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (mảng hạ tầng, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục). SIAM nhận thấy khẩu vị đầu tư của các bên rất khác nhau. Nhóm nhà đầu tư cá nhân thường ưa thích rót vốn vào quỹ (từ 8-10 năm). Còn nhà đầu tư tổ chức thích tìm thêm đồng minh để cùng đầu tư (co-invest) trong một số thương vụ lớn.
Bản thân các quỹ cũng chuyển trọng tâm vào một số ngành được cho là hấp dẫn. Ví dụ, VOF ưa thích lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Cách đây chưa lâu, VOF đã đầu tư 26,7 triệu USD vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Trước đó, VOF cũng đã nắm cổ phần tại chuỗi Bệnh viện Y khoa Tâm Trí (22 triệu USD) và Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa (19 triệu USD).
Trong vòng 1-1,5 năm tới, VOF xác định chiến lược đầu tư tránh xa khỏi lĩnh vực chi tiêu không thiết yếu và tập trung vào các khoản đầu tư có thể mang lại tỉ lệ hoàn vốn nội bộ tốt, đảm bảo lợi tức; quan tâm nhiều hơn tới phân khúc bất động sản, ngân hàng/tài chính, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin.
Tương tự, Quỹ MEF III cũng quan tâm tới mảng y tế - chăm sóc sức khỏe khi gia tăng đầu tư cho chuỗi nhà thuốc Pharmacity. Theo đánh giá của BMI, bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam là thị trường tiềm năng có quy mô lên tới hơn 3 tỉ USD và chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia. Về phần quỹ mới MEF IV sẽ tập trung đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng đang tăng trưởng tốt và biết ứng dụng các phương pháp kinh doanh hiện đại.
Thách thứcchờ đợi
Trong trung và dài hạn, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành Tập đoàn VinaCapital, dự báo thị trường chứng khoán nâng hạng sẽ là yếu tố hấp dẫn, giúp dòng tiền tiếp tục đổ vào đây. Triển vọng cho các quỹ PE còn được hỗ trợ bởi những dự báo lạc quan về kinh tế vĩ mô. Năm 2021 Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,5%, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), World Bank đều đưa ra các con số lạc quan hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ khởi sắc nhờ sự phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU, ASEAN tăng. Ngoài ra, lãi suất thấp, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với đối tác thương mại lớn, nhất là tăng đầu tư công... đều là những chính sách có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng.
Về phía các quỹ đầu tư PE đều không thiếu tiền nhưng việc tìm kiếm được công ty thỏa mãn tiêu chí đầu tư và phù hợp đôi bên là không dễ dàng. Hiện tại, hơn 90% doanh nghiệp ở Việt Nam là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Trong đợt dịch COVID-19 năm 2020, nhiều công ty đã lao đao.
Thách thức còn nằm ở kỳ vọng định giá cao của chủ doanh nghiệp và khả năng hài hòa lợi ích của đôi bên. Đó là câu chuyện liên quan đến mức độ chia sẻ thông tin, mức độ tham gia trong quản trị/điều hành, các điều khoản bảo vệ quyền lợi đôi bên, khả năng hỗ trợ thực tế của quỹ tới doanh nghiệp (vận hành, nhân sự, chiến lược...). Trong quá khứ, từng có những thương vụ cơm không lành canh không ngọt, bất đồng căng thẳng về quyền lợi như Ba Huân - VinaCapital.
“Một số doanh nghiệp Việt còn có tâm lý gọi vốn xong thì không tập trung phát triển nữa. Trong khi đó, nhà đầu tư rót vốn cho doanh nghiệp sẽ kèm theo các điều kiện về doanh thu, lợi nhuận...”, ông Jack Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách Đối tác của Mazars Việt Nam, chia sẻ.
Tất cả những điều này đều tạo ra rủi ro và dễ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư của các quỹ đầu tư. Đây cũng là lý do nhiều quỹ cảm thấy phải thận trọng, kỹ lưỡng trong xem xét đầu tư. Vì phải sàng lọc và xem xét cẩn thận nhiều khía cạnh nên quá trình tìm kiếm công ty xứng đáng rót vốn của các quỹ càng lúc càng khó khăn và khốc liệt.
Cho đến thời điểm này, sau 2 tháng gọi vốn thành công, quỹ MEF IV của Mekong Capital vẫn chưa công bố khoản đầu tư nào. Quỹ Excelsior tuy sẵn sàng chịu chi và tích cực nghe ngóng, gặp gỡ nhưng mọi thứ vẫn âm thầm. Hay như VOF trong 9 tháng đầu năm 2020 cũng phải vất vả lọc ra trong hàng trăm cái tên mới chọn được 6 công ty để đầu tư.
Dù có những trở ngại nhất định nhưng với đặc điểm của quỹ PE có thể đầu tư đa dạng, ít bị giới hạn, lại có lợi suất năm cao hơn so với một khoản đầu tư tương tự, theo khảo sát của Cambridge Associates LLC nên tính hấp dẫn của các quỹ PE luôn lớn. Phía các công ty - nguồn danh mục tiềm năng mà các quỹ PE tìm kiếm - cũng đang chịu sức ép phải đổi mới, mở rộng, thích nghi với các biến động của thị trường, của cạnh tranh gay gắt, của xu hướng công nghệ, hội nhập quốc tế. Các công ty rất cần đến sự hậu thuẫn, cộng hưởng của các quỹ đầu tư. Đó là lý do Grant Thornton khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động và mở cửa tìm kiếm người đồng hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận