menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Tùng

Quy mô GDP bật tăng, các chuyên gia nói gì?

Theo kết quả tính toán sơ bộ của Tổng cục Thống kê (TCTK), sau khi đánh giá lại, quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010 - 2017 tăng 25,4%/năm. Trong nhiều quan điểm khác nhau về số liệu này, các chuyên gia dành nhiều quan tâm tới những tác động của việc đánh giá lại GDP và cách thức Việt Nam sẽ sử dụng số liệu này trong thời gian tới để xây dựng một số chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế.

Số liệu chính xác dựa trên thông tin thu thập được

Tại buổi Đối thoại chính sách đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng TCTK cho biết, có 5 nhóm nguyên nhân làm thay đổi quy mô GDP. Trong đó, 4 nhóm nguyên nhân làm tăng quy mô GDP sau đánh giá lại, gồm: bổ sung thông tin từ tổng điều tra; bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Duy nhất nhóm cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá cả của cả nước, làm giảm quy mô GDP.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, năm 2013, TCTK đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008 - 2012. Khi đó GDP tăng khoảng 9% do chỉ đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản; thay đổi phân ngành kinh tế từ hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam năm 2007. Việc đánh giá lại lần này “quét” hết tất cả các ngành, các lĩnh vực, chỉ trừ kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp vì không có khả năng thu thập thông tin. Quy mô GDP bình quân tăng cao do bổ sung nguồn thông tin từ tổng điều tra. Trong dãy số liệu đánh giá lại GDP giai đoạn 2010 - 2017, con số bổ sung thêm là 76.000 doanh nghiệp.

Ông Lâm thông tin thêm, với ngành thống kê của Việt Nam, cách đánh giá xác thực nhất là dựa vào số liệu tổng điều tra, trong khi quy mô nền kinh tế nhỏ (cũng giống như một số quốc gia châu Phi) nên việc thay đổi sẽ được thể hiện ở con số lớn. Một số quốc gia khác cũng vậy, như ở Ghana khi đánh giá lại quy mô GDP thay đổi tăng tới 60%; Nigeria tăng 59,5%; Maldive tăng 37%; Kenya tăng 25%; Malaysia tăng 32%…

Chuyên gia cảnh báo gì?

Theo TCTK, khi đánh giá lại quy mô GDP sẽ có tác động tới các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế. Cụ thể, tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng của GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Về mặt cơ cấu, GDP sẽ bị thay đổi do tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản. Các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện nhưng mức thay đổi không lớn. Một số chỉ tiêu như thu ngân sách/GDP, thuế/GDP, bội chi ngân sách/GDP, nợ công/GDP… phản ánh số liệu thấp hơn.

Việc đánh giá lại quy mô GDP, theo một số chuyên gia, không có ý nghĩa nhiều trong quá khứ và thời điểm hiện tại, bởi quy mô nền kinh tế Việt Nam vẫn như vậy. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, những tác động đến tương lai mới là điều đáng quan tâm. Bởi việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ đi kèm với việc điều chỉnh các giới hạn chỉ tiêu căn cứ theo GDP, khi mẫu số tăng lên thì các chỉ tiêu điều hành dựa trên GDP sẽ giảm xuống tương ứng… Về mặt hình thức, những con số về chi tiêu, đầu tư và vay nợ sẽ có thể được nới rộng hơn, sẽ có tác động 2 mặt: một là, nếu chi tiêu, đầu tư có hiệu quả thì nền kinh tế được hưởng lợi; nhưng nếu tăng chi tiêu, tăng vay nợ nhưng không hiệu quả sẽ là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế.

Từ những phân tích trên, chuyên gia Ngô Trí Long cảnh báo, sẽ rủi ro nếu Quốc hội giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển kinh tế cũ trên nền tảng của GDP mới. Việc đánh giá lại quy mô GDP không có nghĩa là nguồn thu sẽ tăng lên. Ngoài ra, nếu đánh giá lại quy mô GDP thì TCTK cũng cần đánh giá về chất lượng GDP.

PGS.TS Đỗ Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhấn mạnh: “Việc nhận thức về con số 25,4% và cách thức mà các nhà quản lý sử dụng số liệu này như thế nào trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới là quan trọng hơn cả. Chúng ta cần có nhận thức đúng để có chiến lược, chính sách phù hợp, tránh những hành động chủ quan gây ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng đang rất tốt của nền kinh tế trong giai đoạn hiện tại”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả