Quý III, kỳ vọng thị trường có sóng tăng
Đó là nhận định của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam về xu hướng thị trường chứng khoán thời gian tới.
Sau khi chinh phục mốc 1.300 điểm, chỉ số VN-Index đã có những phiên giảm điểm mạnh về dưới mốc 1.250 điểm trong tuần qua. Ông có nhận định gì về xu hướng thị trường khi bước vào quý III?
Thị trường chứng khoán trong nước vừa có đợt điều chỉnh do áp lực tỷ giá USD/VND tăng trở lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh và tâm lý e ngại của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong nửa cuối năm 2024, thị trường có xu hướng tăng. Đặc biệt, trong nửa cuối quý III và quý IV, đi lên là xu hướng chính.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Có ba nguyên nhân tác động đến đà tăng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Thứ nhất, về bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu, các ngân hàng trung ương đang ở cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và dần nới lỏng trở lại như EU, Nga, Canada. Tại Mỹ, có thể cuối quý III năm nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đợt hạ lãi suất đầu tiên. Thứ hai, kinh tế trong nước đang phục hồi tích cực, phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ ba, áp lực tỷ giá thời gian tới sẽ giảm khi chênh lệch lãi suất USD và VND được thu hẹp.
Trong xu hướng đi lên, thị trường có thể vẫn gặp áp lực điều chỉnh trong giai đoạn cuối năm. Quý IV vẫn là thời điểm khó khăn của thị trường chứng khoán. Đây là thời gian đánh giá lại độ hồi phục của nền kinh tế, có một số cổ phiếu đã tăng mạnh từ đầu năm có thể sẽ không tăng nữa. Kinh tế có hồi phục mạnh như kỳ vọng hay không, câu trả lời sẽ nằm ở kết quả quý IV, do đó, giai đoạn này, thị trường có thể gặp áp lực điều chỉnh.
Trong bối cảnh như vậy, theo ông, những nhóm cổ phiếu ngành nào có triển vọng tăng trưởng?
Năm 2024, triển vọng tăng trưởng được nhắc đến ở nhóm ngành tài chính, ngân hàng. Động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng là NIM cải thiện, CASA tăng trở lại, bên cạnh đó là câu chuyện tăng vốn. Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng siết lại hoạt động an toàn vốn cho các ngân hàng, bổ sung nguồn vốn dài hạn, thị trường kỳ vọng sẽ có đợt sóng cổ phiếu ngân hàng.
Kinh tế trong nước đang phục hồi tích cực, phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhóm chứng khoán cũng có dư địa tăng trưởng lớn khi thanh khoản thị trường tốt, nhiều công ty chứng khoán tăng vốn chủ sở hữu để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ (margin). Hoạt động tự doanh cũng khởi sắc trong bối cảnh thị trường thuận lợi.
Với nhóm phi tài chính, thực phẩm, hóa chất, vận tải biển, hàng không là các nhóm có triển vọng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm.
Cụ thể, với nhóm thực phẩm, dù nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức nhưng khó khăn dần qua đi, đà tăng trưởng trở lại với nhóm này. Nhóm hóa chất, là nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất, sẽ hưởng lợi theo đà tăng trưởng của nhóm sản xuất.
Với nhóm vận tải, dù tình hình xuất khẩu năm nay có khó khăn nhất định nhưng số lượng đơn hàng đã tăng trở lại, vì vậy, nhóm vận tải biển được hưởng lợi. Ngoài ra, nhóm hàng không cũng hưởng lợi từ nhu cầu du lịch phục hồi về mức trước đại dịch.
Với những nhà đầu tư ưa thích đầu tư dài hạn, có nhóm cổ phiếu dịch vụ dầu khí và công nghệ. Đây là những nhóm có khối lượng công việc kéo dài; trong đó, đà tăng trưởng của nhóm công nghệ đang được thúc đẩy bởi nhu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ trong nền kinh tế và sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)…
Diễn biến đáng chú ý trên thị trường hiện nay là khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng mạnh. Ông nhận định thế nào về động thái này?
Nhìn lại lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài thường bán khi thị trường tăng. Như giai đoạn 2020 - 2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục 83.000 tỷ đồng khi thị trường tăng mạnh; năm 2022 nhà đầu tư nước ngoài mua vào khi thị trường cắm đầu đi xuống. Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 44.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 7 - 9% toàn thị trường nên dù nhìn họ bán ròng, nhà đầu tư trong nước có chút quan ngại nhưng cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến diễn biến chung của toàn thị trường.
Vấn đề tỷ giá ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư nước ngoài. Khi tỷ giá tăng USD/VND, nhà đầu tư nước ngoài bị lỗ, nên bắt buộc họ sẽ lựa chọn giải pháp bán để rút vốn về.
Quý III là thời điểm thuận lợi, thị trường đi lên nhưng sẽ lắc lư. Tháng 9, dự báo Fed có đợt điều chỉnh giảm lãi suất, tác động tích cực đến thị trường. Ngoài ra, động lực cho thị trường chứng khoán quý III còn đến từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Nhà đầu tư trong nước hiện đang ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu có triển vọng khả quan. Kênh gửi tiết kiệm lãi suất thấp, trong khi thị trường bất động sản phục hồi chậm, còn thị trường vàng dần đi vào ổn định. Chỉ có thị trường chứng khoán có thanh khoản cao.
Tôi cho rằng, nhà đầu tư nên dành tài sản tham gia vào thị trường chứng khoán, bởi đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Thị trường trong xu hướng đi lên và có sự phân hóa cổ phiếu tăng trưởng. Nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu mạnh, ưu tiên những cổ phiếu có động lực tăng trưởng, kết quả kinh doanh tốt, vì chúng ta đang ở trong năm 2024 là năm phục hồi kinh tế và cần có sự kiên nhẫn khi thấy được tiềm năng của cổ phiếu mình lựa chọn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận