Quý I/2022, lao động trong khu vực dịch vụ phục hồi mạnh
Hiện có khoảng 50 triệu người có việc làm, tăng 962.600 người so với quý IV/2021. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người.
Theo báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố, lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2022 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước.
Lao động trong khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ
“Đây là kết quả của chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vaccine. Vì vậy, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh tại hầu hết các địa phương, nhưng thị trường lao động phục hồi rất mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh so với quý trước. Nhờ đó thu nhập của người lao động được cải thiện”, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu.
Theo số liệu của TCTK, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 400.000 người so với quý trước và tăng khoảng 200.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 đạt trên 68%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước.
“So với quý trước, lực lượng lao động ở cả khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 200.000 người. Người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị”, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, TCTK cho biết thêm.
Cũng theo ông Nam, trong những tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện có khoảng 50 triệu người có việc làm, tăng 962.600 người so với quý IV/2021. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người.
“So với quý trước và cùng kỳ năm trước, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 426.800 người và 192.200 người; lao động trong ngành dịch vụ tăng gần 1,5 triệu người so với quý trước. Điều này cho thấy, thị trường lao động không chỉ sôi động trở lại mà cơ cấu lao động đang có chuyển biến tích cực khi lao động ở khu vực nông nghiệp giảm xuống, ngược lại lao động trong khu vực dịch vụ tăng lên”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo số liệu của TCTK, quý I năm 2022 có khoảng 1,3 triệu người thiếu việc làm, giảm 135.200 người so với quý trước. Tỷ lệ thiếu việc làm vào khoảng 3%, giảm 0,36 điểm phần trăm so với quý trước và nhưng tăng 0,81 điểm phần trăm so với quý I/2021.
“Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp đã làm cho thị trường lao động quý I năm 2022 khởi sắc hơn, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở quý IV năm 2021”, ông Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh.
Thu nhập của người lao động tăng 1.000.000 đồng/tháng
Số liệu của TCTK cũng cho biết, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, TCTK, thị trường lao động quý I đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ.
Nếu như quý III năm 2021, thị trường lao động trải qua những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng; đến quý IV năm 2021 thu nhập của người lao động có dấu hiệu cải thiện hơn, tăng khoảng 139.000 đồng so với quý III.
“Bước sang quý I năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý trước, tăng hơn 20% (tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng khoảng gần 2% (tăng khoảng 110.000 đồng) và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 216.000 đồng)”, bà Mai cho biết.
“So với quý trước, thu nhập của lao động làm việc trong các ngành kinh tế có sự tăng trưởng khá. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng, đây là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 22,6% so với quý trước (tăng hơn 1,3 triệu đồng). Lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 20,5% so với quý trước, tăng tương ứng gần 1,3 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,7 triệu đồng, tăng 8,8% so với quý trước, tăng tương ứng khoảng 301.000 đồng”, bà Mai nói thêm.
Chi tiết hơn, bà Mai cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân 7,2 triệu đồng, tăng 24,2% (tăng 1,4 triệu đồng). Lao động làm việc trong ngành bán buôn bán lẻ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 23,3% (tăng 1,4 triệu đồng). Lao động làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập là 10,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 16,5% (tăng 1,5 triệu đồng)... so với 3 tháng cuối năm 2021.
Thu nhập của người lao động tăng, theo ông Tiến là nhờ quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
“Chính vì vậy, tình hình thất nghiệp ở quý I năm 2022 đã khả quan hơn, thay vì dịch bệnh diễn biến phức tạp như trước đây, người lao động khó có cơ hội tìm được việc làm thì nay họ đã có thể tham gia vào thị trường lao động thuận lợi hơn. Số người thất nghiệp hiện chỉ vào khoảng 1,1 triệu người, giảm gần 490.000 người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước”, ông Tiến nhấn mạnh.
Thị trường lao động mặc dù chưa hoàn toàn phục hồi so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là so với trước khi đại dịch diễn ra, song theo ông Nam, kết quả đạt được của Việt Nam trong việc tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động là rất đáng khích lệ.
“Bởi theo nhận định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khả năng phục hồi của thị trường lao động năm 2022 chậm và không chắc chắn do đại dịch. Vì vậy, ILO đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động năm 2022, với mức thâm hụt thời gian làm việc toàn cầu trong năm 2022 so với quý IV/2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến duy trì ở mức cao hơn trước đại dịch Covid-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019”, ông Tiến cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận