menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Đặng

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: 2 tiểu vùng, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng được xác định thành 2 tiểu vùng với 1 vùng động lực quốc gia, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế…

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo và không gian biển của 11 tỉnh, thành phố: TP.Hà Nội, TP.Hải Phòng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Theo quan điểm phát triển, vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững. Phát triển vùng phải phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các thế mạnh về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử; các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị.

Phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phải phát huy hiệu quả các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu quốc gia. Phát triển kinh tế đồng thời hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…

Để thực hiện, trong phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ không gian phát triển trên lãnh vùng, xác định việc tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 2 tiểu vùng với 1 vùng động lực quốc gia, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế.

Cụ thể, 2 tiểu vùng là:

Tiểu vùng phía Bắc, gồm TP.Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao. Phát triển dịch vụ, thương mại, tài chính - ngân hàng, dịch vụ vận tải - logistics, du lịch tầm quốc tế; dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa và thể dục thể thao, y tế.

Tiểu vùng phía Nam gồm tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình, phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp tạo động lực; phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

1 vùng động lực là TP.Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, TP.Hà Nội giữ vai trò dẫn dắt quá trình phát triển của vùng và cả nước; TP. Hải Phòng giữ vai trò tiên phong trong phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển; tỉnh Quảng Ninh giữ vai trò là một trong những đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của vùng; tỉnh Bắc Ninh giữ vai trò là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng, là địa phương kết nối trên tuyến hành lang công nghiệp quốc lộ 18.

5 hành lang kinh tế, gồm:

Hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng (Bắc Ninh - Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình), hình thành trên cơ sở đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao trong tương lai, có nhiệm vụ kết nối quốc tế và các vùng động lực, đô thị, trung tâm kinh tế.

Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối chủ đạo của vùng động lực; kết nối liên vùng, quốc tế; kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với vùng trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn của cả nước.

Hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với tiểu vùng Đông Bắc và Trùng Khánh, Trung Quốc.

Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, kết nối các khu vực phát triển kinh tế năng động như các khu kinh tế ven biển, các khu đô thị, du lịch, nông nghiệp; tăng cường kết nối vùng với các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực phía Đông Nam Trung Quốc; thúc đẩy sự phát triển của tiểu vùng Nam sông Hồng, thu hẹp khoảng cách phát triển của tiểu vùng với toàn vùng và cả nước.

Đồng thời, từng bước hình thành hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội là hành lang kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với tiểu vùng Tây Bắc và khu vực phía Bắc Lào.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại