Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội kiểm soát chặt đất ngoài bãi sông
Bộ NN&PTNT đánh giá giải pháp Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trong không gian thoát lũ (từ đê hữu Hồng đến đê tả Hồng hiện có) là cơ bản phù hợp với Quy hoạch phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch 257/QĐ-TTg). Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý Hà Nội nhiều vấn đề xung quanh đồ án Quy hoạch này.
Sau khi nhận được Công văn số 1471/UBND-ĐT ngày 14/5/2021 của UBND TP Hà Nội về việc đề nghị xem xét, có ý kiến về sự phù hợp của nội dung chính đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), ngày 14/7/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có Văn bản số 4409/BNN-PCTT phản hồi và đưa ra nhiều khuyến nghị đối với Hà Nội xung quanh các nội dung được đề cập trong Quy hoạch.
Cho phép nâng cấp đê phòng, chống lũ
Liên quan đến giải pháp quy hoạch về đê và đường ven sông, Hà Nội kiến nghị nâng cấp đê hiện có thành đường chính khu vực và xây dựng 2 tuyến đường ven sông, chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại, bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới. Bộ NN&PTNT thống nhất với đề xuất của Hà Nội về việc nâng cấp đê hiện có nhằm đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp đáp ứng yêu cầu giao thông. Đồng thời, thống nhất giải pháp quy hoạch xây dựng về đường trên nguyên tắc: Không thu hẹp không gian thoát lũ, không nâng cao các tuyến đê bối hiện có và không xây dựng đê bối mới.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho biết, việc xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0m (trên mức lũ báo động 3), tương tự hình thành đê bối mới là không phù hợp. Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND TP Hà Nội lựa chọn phương án cao trình mặt đường tương đương cao trình mặt bãi sông tự nhiên, hoặc cao trình đê bối hiện có (đối với tuyến đường đi quan khu dân cư hiện có) để chỉ phục vụ phát triển giao thông, đảm bảo không gian thoát lũ và phù hợp với Quy hoạch 257/QĐ-TTg.
Điều chỉnh nhiều khu dân cư ven sông
Đối với đề nghị không di dời 2 khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề (quận Long Biên), Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội thực hiện theo Quy hoạch 257/QĐ-TTg. Sở dĩ vậy vì Quy hoạch 257/QĐ-TTg đã xác định các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề nằm sát bờ sông và thuộc khu vực lòng sông co hẹp, dễ bị sạt lở, gây mất an toàn khi có lũ.
Đối với khu dân cư Kim Lan - Văn Đức hiện có ở bãi sông, Bộ NN&PTNT thống nhất với đề nghị của TP về việc giữ lại khu dân cư này. Nguyên nhân vì đây là khu dân cư đã được xác định trong danh mục các khu vực dân cư tập trung hiện có tại Phụ lục III của Quy hoạch 257/QĐ-TTg.
Đối với đề nghị của Hà Nội về việc bổ sung danh mục các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình chưa có trong Phụ lục III Quy hoạch 257/QĐ-TTg, Bộ NN&PTNT đồng tình và cho rằng nội dung này là cần thiết và phù hợp. Đồng thời đề nghị TP rà soát, tính toán đảm bảo tiêu chuẩn phòng, chống lũ được quy định tại Quy hoạch 257/QĐ-TTg. Từ đó bổ sung vào danh mục các khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ trong quá trình lập phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Quản lý chặt ranh giới, quy mô bờ, bãi sông
Về đề nghị hướng dẫn xác định ranh giới, quy mô, diện tích bờ sông, bãi sông, bãi nổi, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội căn cứ quy định của Luật Đê điều, nội dung Quy hoạch 257/QĐ-TTg và hiện trạng bãi sông trên địa bàn để xác định. Trong đó, Bộ đặc biệt lưu ý có 2 bãi sông không được phép xây dựng vượt quá 15% diện tích bãi sông gồm: Tàm Xá - Xuân Canh và Long Biên - Cự Khối.
Cũng theo Quy hoạch 257/QĐ-TTg, các khu vực dân cư tập trung hiện có ở bãi sông tại Phụ lục III được tồn tại, bảo vệ; được sử dụng một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có. Tuy nhiên, tại bản đồ Quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất của Hà Nội, có quy hoạch đất xây dựng với diện tích vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có là không phù hợp. Vì vậy Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội rà soát, thực hiện theo đúng Quy hoạch 257/QĐ-TTg.
Không để phát sinh thêm dân cư ven sông
Cùng với việc phản hồi một số nhóm nội dung kiến nghị, đề xuất của TP, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Hà Nội chỉ đạo sớm triển khai lập phương án phòng, chống lũ các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong Quy hoạch chung của TP để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu bổ sung nội dung trong quy hoạch phân khu về đầu tư, nâng cấp, củng cố hệ thống đê điều thuộc phạm vi quy hoạch; trong đó, ưu tiên xử lý nhiều trọng điểm, xung yếu như: Cống Liên Mạc, đê Hải Bối… Nghiên cứu quy hoạch hệ thống kè, chỉnh trị dòng chảy kết hợp chỉnh trang bờ, bãi sông. Đầu tư xây dựng, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ quản lý, giám sát hệ thống đê điều, công trình phòng, chống thiên tai.
Hà Nội cũng không được phép quy hoạch đất xây dựng tại các khu vực bãi sông không thuộc, hoặc có vị trí không phù hợp danh mục bãi sông được phép xây dựng, có thể nghiên cứu xây dựng tại Phụ lục IV và V của Quy hoạch 257/QĐ-TTg. Ngoài ra, cần có giải pháp quản lý khu dân cư hiện có được tồn tại theo quy định, không để phát sinh thêm về số khu, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông. Đồng thời, rà soát, xây dựng phương án và lộ trình để di dời các khu vực dân cư nằm ở lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn (theo Quy hoạch 257/QĐ-TTg) cũng như các hộ dân vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi đê điều và khu vực có nguy cơ cao sạt lở…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận