Quy hoạch đồng bộ tạo lợi thế cho bất động sản Khánh Hòa
Việc hoàn thiện loạt quy hoạch quan trọng của tỉnh Khánh Hòa cũng là tín hiệu lạc quan cho sự phát triển đồng bộ, bền vững của bất động sản (BĐS) địa phương này trong tương lai.
Quy hoạch tốt giúp kêu gọi đầu tư hiệu quả
Khánh Hòa có bờ biển dài, cảnh quan được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều vịnh biển, đảo với nhiều bãi tắm đẹp. Song song đó, địa phương này có hạ tầng kết nối tương đối thuận lợi bằng cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không với cả trong nước và quốc tế.
Đến thời điểm hiện tại, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong giai đoạn cuối hoàn thiện hồ sơ. Dự thảo quy hoạch của tỉnh định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 17 đô thị. Cụ thể, 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV, 11 đô thị loại V; 4 vùng kinh tế gồm: Khu kinh tế Vân Phong, vùng trọng điểm (Nha Trang, Diên Khánh, phía Nam Ninh Hòa), vùng phía Nam (Cam Ranh, Cam Lâm), vùng phía Tây (khu vực nội địa và miền núi)…
Quan điểm phát triển, mục tiêu và tầm nhìn của Khánh Hòa trong thời gian tới được thực hiện thông qua 3 trụ cột chính về kinh tế, xã hội và môi trường; qua đó tạo nên một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc vàdu lịch, để Khánh Hòa trở thành điểm đến ven biển hàng đầu Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa phấn đấu là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đẩy nhanh tiến độ một loạt các quy hoạch khác, như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Cam Ranh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045…
Theo ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, các quy hoạch nêu trên là định hướng, kim chỉ nam phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh theo định hướng, mục tiêu của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 42 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 và Chương trình hành động số 30 của Tỉnh ủy Khánh Hòa...
Ông Hoàng nhận định, trước đây, vẫn còn tình trạng các quy hoạch chồng chéo, không thống nhất, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, không phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa.
"Việc phủ kín quy hoạch sẽ giúp đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch, tạo công cụ quản lý quy hoạch và kêu gọi đầu tư hiệu quả, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tỉnh Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương",ông Hoàng cho hay.
Vẫn nhiều thách thức
Theo báo cáo tình hình nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh trong quý III/2022 của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, thị trường BĐS tại địa phương có tổng giá trị giao dịch gần 1.200 tỷ đồng. Số liệu trên cho thấy, thị trường BĐS tại Khánh Hòa trong quý III đang trầm lắng hơn, bởi trong quý II/2022, thị trường BĐS tại đây có tổng giá trị giao dịch gần 8.000 tỷ đồng. Lượng giao dịch BĐS tại Khánh Hòa trong quý III/2022 tập trung chủ yếu ở các phân khúc gồm: đất nền (5.541 giaodịch); nhà ở riêng lẻ (627 giao dịch) và chung cư (221 giao dịch).
Nếu so với quý II/2022, lượng giao dịch đất nền và nhà ở riêng lẻ trong quý III/2022 có phần giảm (trong quý trước giao dịch đất nền là 7.742 lô; nhà ở riêng lẻ là 760 căn), nhưng lượng giao dịch chung cư lại có xu hướng tăng (quý trước là 168 giao dịch). Trong quý III/2022, chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại với quy mô 236 căn chung cư được cấp phép mới. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai 3 dự án nhà ở thu nhập thấp khu đô thị với 1.490 căn; 26 dự án du lịch nghỉ dưỡng với tổng số 12.149 căn hộ du lịch và 2.588 căn biệt thự du lịch.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, Khánh Hòa là một thị trường cực kỳ tiềm năng, khu vực xuất sắc của quốc tế, vượt qua tầm quốc gia. Tuy nhiên, thị trường đang chững lại vì chính sách kiểm soát tín dụng và động thái tăng cường kiểm tra, kỷ luật cán bộ sai phạm.
Theo ông Đính, thị trường Khánh Hòa hiện đang ít giao dịch do không có nhiều sản phẩm, thế nhưng với định hướng phát triển của tỉnh, các khu vực các vùng Bắc Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm... đều là các khu vực tiềm năng trong tương lai.
"Khánh Hòa cần đi tắt, đón đầu xu thế để nhà đầu tư đến địa phương tìm kiếm cơ hội đầu tư. Doanh nghiệp cần tạo ra các sản phẩm có giá trị, hướng đến giá trị cao, tinh hoa chứ không nên chỉ nghĩ đến việc thu hút về số lượng",ông Đính đề xuất.
Còn theo Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, vướng mắc về mặt pháp lý và tài chính khi thực hiện các dự án BĐS đang là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp cả nước nói chung, Khánh Hòa nói riêng.
Hiện, các nhà đầu tư phát triển dự án BĐS đang ở giai đoạn khó khăn nhất vì không có dự án; tìm kiếm dự án vô cùng khó bởi vướng mắc về cơ chế, chính sách. Điều này dẫn đến việc các dự án bị chậm lại, chi phí vô hình cho các doanh nghiệp là rất lớn. Những quy định, thủ tục chưa đồng bộ này đã được kiến nghị và được cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Chính phủ ghi nhận cần tháo gỡ.
Tuy nhiên, việc tháo gỡ sẽ cần có thời gian và trong giai đoạn hiện nay, độ trễ thời gian càng lớn thì rủi ro cho doanh nghiệp càng cao. Đây là thời điểm khó khăn nhất của các doanh nghiệp khi lãi suất ngân hàng tăng cao trong khi các kênh huy động vốn khác như nguồn trái phiếu, nguồn tiền huy động từ khách hàng đang tắc nghẽn.
"Trong những tháng cuối năm, room tín dụng dành cho cả doanh nghiệp và người mua nhà hiện nay không có, kể cả đối với những dự án mà ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp buộc phải phá sản, giải thể",ông Hoàng chia sẻ.
Theo Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, Nghị quyết số 09-NQ/TW và Nghị quyết số 55/2022/QH15 là 2 quyết sách quan trọng nhất cho sự phát triển của Khánh Hòa trong thời điểm hiện tại. Việc hoàn thiện các quy hoạch chung sẽ tạo cơ sở triển khai lập các quy hoạch phân khu, đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch.
"Có thể thị trường BĐS năm 2023 vẫn còn tiếp tục bất ổn, nhưng phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức giao dịch tốt, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản",ông Hoàng nói.
Với đề án một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Xây dựng chủ trì, nhiều đơn vị phát triển BĐS bắt đầu đưa ra kế hoạch phát triển các dự án nhà ở xã hội. "Đây là một động thái rất tích cực và đáng mừng, thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với xã hội đồng thời cũng là điểm sáng cho thị trường BĐS trong năm tới",ông Hoàng nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận