Quy hoạch đô thị sông Hồng liệu người dân có phải rời đi?
Người dân ở sông Hồng mong muốn được biết Quy hoạch đô thị sông Hồng triển khai thì họ tiếp tục được ở lại đây hay phải rời đi nơi khác
Quy hoạch đô thị sông Hồng: Người dân vừa mừng vừa lo
Theo quy hoạch đô thị sông Hồng, các khu vực dân cư hiện có gồm: Thượng Cát, Liên Mạc, Nhật Tân, Tứ Liên, Hoàng Mai, Thanh Trì 1, Thanh Trì 2, Chu Phan, Tráng Việt, Tàm Xá, Ngọc Thụy, Long Biên - Cự Khối, Đông Dư - Bát Tràng được tồn tại, bảo vệ.
Các khu này được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.
Đối với các khu vực dân cư này, quy hoạch chỉ rõ, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý ngành nông nghiệp xác định ranh giới cụ thể làm cơ sở để quản lý đất đai, quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các khu vực bãi sông (nơi chưa có công trình xây dựng) Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức, Hoàng Mai – Thanh Trì có thể nghiên cứu để khai thác sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật Đê điều; diện tích xây dựng không được vượt quá 5% diện tích bãi sông.
Các khu vực Võng La – Hải Bối, Bát Tràng, Bắc Cầu, Bồ Đề, Đông Ngàn, Yên Viên, Thượng Thanh và một số khu dân cư khác có số hộ dân thuộc diện phải di dời sẽ thực hiện quản lý theo đúng quy định tại Luật Đê điều.
Ông Nguyễn Chí Thành, người dân đang sinh sống tại phố Bắc Cầu (Ngọc Thụy, Long Biên) rất lo lắng từ khi biết được thông tin khu vực này sắp quy hoạch.
"Không chỉ tôi mà rất nhiều người dân sinh sống tại đây cảm thấy lo lắng khi biết rằng khu vực mình sinh sống thuộc nơi phải rời đi theo quy hoạch. Tôi mong muốn rằng Đảng và nhà nước có sự quan tâm đến nhân dân chúng tôi". Ông Thành chia sẻ
Còn với ông Nguyễn Văn Tuấn (Ngọc Thụy, Long Biên) đang sống tại ven sông Hồng, ngay dưới chân cầu Long Biên. Ông Tuấn rất mong chờ đồ án quy hoạch sẽ thay đổi diện mạo nơi mình đang ở.
"Tôi ở đây đã hơn 70 năm rồi. Mấy năm gần đây cũng nghe nhiều thông tin về quy hoạch khu vực sông Hồng và cũng mong đợi những dự án công viên cây xanh, nhà sinh hoạt cộng động sẽ nâng cao tinh thần của người dân trong vùng. Tuy nhiên, cũng chưa biết được liệu khu vực nơi tôi ở có phải rời đi đâu hay không. Nếu phải rời đi mong rằng chính quyền địa phương sắp xếp cho một nơi ở mới để an tâm sinh sống và sản xuất".
Không chỉ riêng ông Tuấn, rất nhiều người dân quanh khu vực này mong muốn biết được nơi mình đang ở được giữ lại hay phải chuyển đi nơi khác (Ảnh: Thái Nguyễn)
Cùng tâm lý chờ đợi, chị Nguyễn Thị Tuyết, người dân sinh sống tại khu vực bãi giữa sông Hồng lo lắng rằng với việc quy hoạch các công trình dọc hai bên bãi bồi và bãi giữa sông Hồng, cả xóm sẽ buộc phải di dời mà không có nơi ở mới do những người tại đây không có giấy tờ tạm trú. Lúc đó, ngoài nỗi lo về chỗ ở, họ còn phải tính bài toán mưu sinh do không thể phụ thuộc vào dòng sông được nữa.
"Tôi và các hộ dân sinh sống tại đây phụ thuộc vào dòng sông này để sinh hoạt, kiếm sống. Từ việc giặt giũ, nơi ở hay thức ăn chủ yếu cũng là đánh bắt tôm, cá hàng ngày. Bây giờ mà rời đi thì không biết tương lai ra sao".
Quy hoạch đô thị sông Hồng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những người dân khu vực ven sông (Ảnh: Thái Nguyễn)
Quy hoạch cần đảm bảo an toàn cho người dân ven sông
Nhiều chuyên gia nhận định sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, chiều dài sông Hồng chảy qua thành phố dài tới cả trăm km. Trong đó, khu vực trung tâm nằm giữa cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trở thành trục cảnh quan rất quan trọng. Mặc dù, việc xây dựng các công trình dọc 2 bên sông đảm bảo mỹ quan rất quan trọng nhưng tính toán yếu tố an toàn khi có lũ là ưu tiên hàng đầu.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng quy hoạch phân khu được duyệt đã tuân thủ yêu cầu thoát lũ theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thành phố chủ trương lấy phòng, chống lũ là mục tiêu hàng đầu khi phê duyệt đề án. Do đó, những khu dân cư được tồn tại sẽ phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng, kỹ thuật, bảo tồn đất và phát triển chức năng sẵn có.
"Đây là khu vực phức tạp, có nhiều tồn tại do lịch sử để lại về quản lý đất đai xây dựng, vấn đề an sinh. Đồ án được thiết kế định hướng không gian thoát lũ đảm bảo đối với đê cấp đặc biệt tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng. Trước đây, chúng ta hay nói là thành phố quay lưng với sông Hồng, thì tới đây sẽ quay mặt ra sông Hồng để tạo một trục không gian, hành lang xanh quan trọng".
Cần ưu tiên đảm bảo an toàn hành lang thoát lũ khi quy hoạch đô thị sông Hồng (Ảnh: Thái Nguyễn)
Còn theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội nhận định phát triển không gian bãi giữa thành công viên thì điều quan trọng nhất đó là nâng cao chất lượng sống của chính người Hà Nội và bạn bè đến với Hà Nội. Mọi người cần có không gian sinh hoạt cộng đồng, cũng như thụ hưởng thiên nhiên một cách tích cực nhất.
Bên cạnh đó, KTS Ánh cho rằng việc phát triển khu vực này thành công viên thì được bảo vệ tốt hơn, quản lý tốt hơn. Đồng thời sẽ ngăn cản chuyện chiếm dụng trái phép, ngăn chặn việc xây dựng trái phép những vật kiến trúc cản trở dòng chảy.
"Bãi giữa sông Hồng là bãi đất tự nhiên nằm trên dòng chảy của sông Hồng, nếu làm công viên thì cũng không ảnh hưởng tới dòng chảy của dòng sông. Bởi xưa nay cây vẫn mọc, nếu làm công viên thì cây cối được chăm sóc, được tỉa gọn gàng thì nước lũ còn thoát tốt hơn. Điều cần lưu ý đó là không nên xây dựng các công trình kiên cố hay xây dựng lều quán, rào chắn, chiếm dụng diện tích để xây dựng các công trình".
Như vậy, sau khi đồ án được phê duyệt vừa qua, Hà Nội đã bước thêm được một bước dài trong kế hoạch để "thành phố quay mặt ra sông Hồng". Nhưng để quy hoạch trên giấy đi vào thực tế, thành phố còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có kế hoạch di dời và đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận