Quy hoạch điện VIII cần hài hòa cả 3 tiêu chí an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường
Ngày 11-6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học “Góp ý cho Quy hoạch điện VIII” bằng hình thức trực tuyến.
Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1-10-2019.
Quy hoạch điện VIII là một quy hoạch ngành quan trọng và rất phức tạp vì cả đầu vào và đầu ra của quy hoạch đều có ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực của đời sống.
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường, y tế, kinh tế, pháp luật… đã thẳng thắn trao đổi, đưa ra những nội dung cần chỉnh sửa, cần bổ sung cho Quy hoạch điện VIII từ bài học của Quy hoạch điện VII điều chỉnh, để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII sao cho phát triển nguồn điện hợp lý đi cùng những yêu cầu về vận hành quản lý thị trường, bảo vệ môi trường sức khỏe người dân, phù hợp với đặc điểm vùng địa lý và khả thi để đưa vào thực tiễn.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, dự thảo nêu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 khoảng 128 tỷ USD, trung bình mỗi năm 12,8 tỷ USD - đây là thách thức rất lớn bởi nền kinh tế không dễ bảo đảm được. Cần phải tính toán lại bài toán kinh tế tối ưu cấu trúc hệ thống, không chạy theo phát triển quy mô hệ thống lớn để bảo đảm an ninh năng lượng bằng bất cứ giá nào và chạy theo mong muốn không hợp lý của địa phương.
Theo ông Duệ, để Quy hoạch điện VIII trở thành khả thi, vấn đề quan trong là phải nâng cao chất lượng quy hoạch trên quan điểm phát triển bền vững, hội tụ được 3 tiêu chí: An ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Muốn vậy, cần đề xuất được các giải pháp hữu hiệu về kinh tế, kỹ thuật để tránh các rủi ro trong quá trình thực hiện. Về kinh tế năng lượng, ông đưa ra 3 giải pháp là: Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư phát triển năng lượng; giải pháp tạo nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện; phát triển thị trường điện cạnh tranh và xây dựng giá điện hợp lý theo Luật Điện lực sửa đổi của Quốc hội.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) kiến nghị, Quy hoạch điện VIII cần ưu tiên thực hiện ngay các giải pháp chính sách đột phá về phát triển lưới điện, đẩy nhanh hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền để giải phóng đầu tư tư nhân cho phát triển năng lượng bền vững, kiên quyết loại bỏ ra khỏi quy hoạch các dự án điện than không được các địa phương ủng hộ, tính khả thi thấp và rủi ro cao...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận