Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị phá vỡ ra sao?
Nhiệt điện than và khí không hoàn thành, đầu tư đường dây, lưới điện chỉ đạt tỷ lệ thấp, mất cân bằng hệ thống, quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất, phát triển điện mặt trời thiếu kiểm soát là những yếu tố cơ bản dẫn tới phá vỡ Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Dấu lặng nhiệt điện
Một nội dung quan trọng trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, là hoạt động đầu tư nguồn và lưới điện đã cho thấy thực tế rất khác với kỳ vọng, mục tiêu đề ra.
Việc đầu tư nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí đã không hoàn thành theo quy hoạch (chỉ đạt 82%); nguồn điện mặt trời (ĐMT) đã đầu tư, vận hành đến cuối năm 2020 lên tới khoảng 16.500MW (trong đó công suất nguồn ĐMT nối lưới khoảng 8.600MW, gấp hơn 10 lần so với quy hoạch được duyệt), phát triển nhanh và tập trung chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên – những khu vực có phụ tải thấp, dẫn đến mất cân bằng về cơ cấu nguồn điện, vùng miền.
Đáng chú ý, trách nhiệm của việc đầu tư nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí không hoàn thành theo quy hoạch điện VII thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV).
Trong bối cảnh đó, EVN đã không hoàn thành đầu tư lưới điện theo nhiệm vụ được giao tại quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là việc đầu tư đường dây chỉ đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, đường dây 500kV đạt gần 59%, đường dây 220kV đạt gần 53%), trạm biến áp 500kV đạt khoảng 87%, trạm biến áp 220kV đạt khoảng 93%, nhiều dự án chậm tiến độ.
Việc đầu tư nguồn nhiệt điện than và khí đã không hoàn thành theo quy hoạch, nhất là đầu tư đường dây đạt tỷ lệ thấp, nhưng tổng công suất đặt các nguồn điện đã đầu tư tăng gần 16% so với quy hoạch.
Đáng chú ý, nguồn ĐMT nối lưới và ĐMT mái nhà đã đầu tư đến cuối năm 2020 với tổng công suất khoảng 16.500MW từ việc bổ sung nhiều dự án, việc khuyến khích đầu tư ĐMT mái nhà nhưng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến công suất nguồn ĐMT tăng cao với tốc độ nhanh.
Nguồn ĐMT nối lưới đầu tư tập trung chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên (các khu vực có phụ tải thấp, hệ thống truyền tải chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời), dẫn đến mất cân bằng hệ thống điện giữa nguồn và lưới, cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất, không đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật của hệ thống điện, phá vỡ Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Ngoài ra, ghi nhận 6 dự án/phần dự án với tổng công suất khoảng 453MW đã hoàn thành đầu tư nhưng chưa được vận hành thương mại (tổng chi phí đầu tư gần 10.390 tỷ đồng), 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 321MW các chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị/ký hợp đồng EPC, hợp đồng thuê đất/giao đất (tổng số tiền đã chi khoảng 1.500 tỷ đồng), gây lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư phát triển điện lực.
Điện mặt trời "nhảy múa" trên mái nhà
Thống kê cho thấy, nguồn điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã được đầu tư nhanh trong thời gian từ tháng 4/2020 đến 31/12/2020 sau khi Quyết định 13/2020 được ban hành (hồi tháng 4/2020) và Bộ Công thương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đến năm 2020, tổng công suất nguồn ĐMTMN đưa vào vận hành lên tới gần 7.900MW.
Theo kết quả thanh tra, trong công tác quản lý nguồn ĐMTMN, Bộ Công thương đã ban hành và tham mưu ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện còn một số sơ hở, bất cập có nguy cơ dẫn đến lợi dụng chính sách để đầu tư nhanh nhiều hệ thống, cụm hệ thống ĐMTMN với công suất lớn, không được quản lý chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện, thiếu phối hợp giữa Bộ Công thương, UBND các địa phương và EVN.
Cụ thể, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 16/2017 (tháng 9/2017) quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT, trong đó khoảng 2 điều 11 không đúng quy định tại Quyết định 11/2017 của Thủ tướng.
Bộ Công thương tham mưu ban hành khoản 5 điều 3 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, theo đó không xác định, quy định cụ thể về “mái nhà” sử dụng để lắp đặt các tấm quang điện của hệ thống ĐMTMN, do đó trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập trong xác định đối tượng Hệ thống ĐMTMN được áp dụng giá FIT 8,38 UScent/kWh.
Tại văn bản 7088/BCT-ĐL hướng dẫn thực hiện phát triển ĐMTMN, có nội dung điểm b mục 2 hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng dự án nhưng không được gộp các hợp đồng mua bán hệ thống ĐMTMN thành một hợp đồng, được xác định là không có tác dụng trong quản lý mà còn nguy cơ lợi dụng chính sách để đầu tư nhanh nhiều hệ thống, cụm hệ thống ĐMTMN công suất lớn trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình trang trại, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… nhưng được hưởng cơ chế khuyến khích đầu tư như hệ thống ĐMTMN.
Những hệ thống/cụm hệ thống nêu trên, cần phải được rà soát, xem xét lại việc áp dụng giá FIT 8,38 UScent/kWh trong 20 năm, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Tương tự EVN, lần lượt PVN và TKV đều không hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Cụ thể, PVN và PVPower không hoàn thành đầu tư 12 dự án nguồn điện với tổng công suất 13.350MW (hoàn thành 1 dự án, đạt 8,3% về số lượng và gần 9% về công suất). Trong 9 dự án được giao làm chủ đầu tư, 7 trường hợp đang thực hiện nhưng chậm tiến độ với thời gian dài, 2 trường hợp chưa triển khai (Nhiệt điện khí Kiên Giang I và II).
Được giao 6 dự án nguồn điện (tổng công suất 2.260MW), TKV và Tổng công ty điện lực – TKV đã đầu tư hoàn thành, đưa vào vận hành 4 dự án, đạt khoảng 67% về số lượng dự án và đạt 42% về công suất).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận