Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức trong tương lai như thế nào?
Thành phố Thủ Đức trong tương lai sẽ dành 10% diện tích để làm công viên. Thành phố này cũng dự kiến bố trí 1.000 - 1.200ha đất công nghiệp để đảm bảo không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa chấp thuận quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM (Sở QH-KT) lập. Trong đó, ông Phong giao Sở QH-KT khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, tham mưu trình UBND TP.HCM, để kịp báo cáo HĐND TP.HCM tại kỳ họp sắp tới.
Sau khi được HĐND TP.HCM có ý kiến, thành phố sẽ hoàn chỉnh hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định trong quý 2 năm nay.
6 khu vực trung tâm TP Thủ Đức
Theo Sở QH-KT, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ TP. Thủ Đức với diện tích khoảng 21.156ha. Quy hoạch chung của TP. Thủ Đức sẽ theo định hướng đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời nâng cấp, chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu, đảm bảo gắn kết, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Về tính chất đô thị, TP. Thủ Đức hình thành và phát triển trên nền hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia và sẽ là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, ý tưởng quy hoạch của TP. Thủ Đức dựa trên nội dung của một đồ án được tuyển chọn qua cuộc thi "ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông". Đồ án này đã đề ra những ý tưởng rõ nét và chỉ ra 6 trọng tâm sáng tạo theo đúng tiêu chí đưa ra của TP.HCM hướng đến dựa trên hiện trạng thực tế của khu vực phía Đông, đưa ra quy hoạch mang tính khả thi nhất hiện nay.
Trong đó, 6 khu vực trọng tâm sáng tạo bao gồm: trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm (quận 2); trung tâm sức khỏe - thể thao tại Rạch Chiếc (quận 2); trung tâm sản xuất công nghệ cao (quận 9); trung tâm công nghệ giáo dục (quận 9); trung tâm sinh thái Tam Đa (quận 9); trung tâm thương mại - hành chính Trường Thọ (quận Thủ Đức). Những khu vực trọng tâm của TP. Thủ Đức đáp ứng được yêu cầu đề ra là khu đô thị có tính sáng tạo, có tính tương tác cao với mạng lưới các hoạt động phụ trợ nhau.
Trong số các trọng tâm của TP. Thủ Đức, hiện đã có 3 khu vực trọng tâm đã hình thành và tiếp tục được đầu tư phát triển trong tương lai: trung tâm tài chính Thủ Thiêm (quận 2), khu công nghệ cao (quận 9) và trung tâm giáo dục - đào tạo với nền tảng là khu Đại học Quốc gia (quận 9).
Đối với các trung tâm còn lại, sẽ được thành phố tiếp tục được hình thành, phát triển. Đặc biệt, TP. Thủ Đức trong tương lai sẽ có cơ chế, chính sách bảo tồn cảnh quan và đảm bảo ổn định cho đời sống 1 triệu cư dân hiện hữu của 3 quận (quận 9, quận 2 và Thủ Đức.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Nhã, trong 10 năm nữa, dân số cư trú tại TP. Thủ Đức sẽ đạt mức 1,5 triệu, đến năm 2040 là 1,9 triệu và năm 2060 là 3 triệu người. Bức tranh đô thị khi đó là giao thông công cộng cần phải đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại; mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường 4-6 km. Ngoài ra, đến năm 2040, khu vực này đảm bảo chống ngập tới tần suất 80% (5 năm mới xảy ra ngập một lần).
Đặc biệt, ông Nhã cho biết 10% diện tích thành phố phía đông sẽ là công viên. Song song đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập (tương đương 630 ha đất làm hồ điều hòa). TP. Thủ Đức cũng dự kiến bố trí 1.000 - 1.200ha đất công nghiệp để đảm bảo không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.
TP. Thủ Đức có 5 bất cập
Giám đốc Sở QH-KT cho rằng TP. Thủ Đức vẫn còn nhiều bất cập trong việc quy hoạch.
Thứ nhất, TP. Thủ Đức quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi.
Thứ hai, giao thông không an toàn do trộn lẫn vận tải nặng và hành khách. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong giờ cao điểm tại các khu vực đầu mối giao thông.
Thứ ba, tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất dành cho công trình hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp, quản lý quỹ đất dành cho giao thông còn nhiều bất cập. Giao thông chủ yếu dựa trên phương tiện cá nhân, chưa phát triển hệ thống và thói quen sử dụng giao thông công cộng và đi bộ.
Thứ tư, các dự án lớn về giao thông trong khu vực như tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến BRT số 1, đường Vành đai 2, đường Vành đai 3 hiện đang chậm tiến độ hoặc chưa được triển khai.
Thứ năm, tình trạng ngập lụt do biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Hiện nay, có khoảng 10 vị trí ngập thường xuyên do mưa lớn hoặc triều cường trong khu vực mà ngập nặng nhất là ở quận Thủ Đức./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận