Quy định sử dụng nhà công vụ: Mức cho thuê nên ngang giá thị trường
Sau một thời gian dài, quy định về quản lý, sử dụng nhà công vụ nảy sinh nhiều “lỗ hổng”. Vì vậy, Bộ Xây dựng với chức năng là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp tài sản này, đang triển khai lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Tờ trình về tiêu chuẩn nhà công vụ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý sử dụng nên vận hành theo hình thức cho thuê ngang giá thị trường để đảm bảo công bằng, minh bạch.
Lỗ hổng trong quản lý
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước hiện có 75.694 căn, nhà (phòng) công vụ tổng diện tích 2.827.548m2, trong đó 50 căn biệt thự, tương ứng 20.965m2, 19.866 căn chung cư, tương ứng 1.538.202m2, 55.778 căn liền kề, tương ứng 1.268.381m2.
Căn cứ theo Nghị định số 61/1994-CP của Chính phủ về mua bán, kinh doanh nhà ở, bãi bỏ quy định về việc bố trí nhà ở theo chế độ bao cấp, đây được xem như dấu chấm hết cho chế độ bao cấp nhà ở, bao gồm cả nhà công vụ.
Tuy nhiên, Nghị định 61 lại cho phép thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang sử dụng. Sau đó, Chính phủ lại tiếp tục ban hành Quyết định số 118/1992/TTg quy định giá thuê nhà công vụ phải đưa vào tiền lương.
“Nhưng thực tế triển khai sau đó, việc đưa tiền thuê nhà vào lương chưa được thực hiện đồng bộ, thiếu quy định chi tiết, cụ thể dẫn đến việc vận dụng không phù hợp. Nhiều địa phương vận dụng lại Nghị định 61/1992-CP, giải quyết bán nhà cho người đang sử dụng với mức ưu đãi rất lớn, gây ra thất thoát tài sản Nhà nước” - luật sư Trần Cao Ngãi - Văn phòng Luật sư Trần Cao nhìn nhận.
Để giải quyết tình trạng trên, Luật Nhà ở năm 2005, quy định việc chấm dứt tình trạng bán hóa giá nhà công vụ cho người sử dụng sau khi về hưu. Tiếp sau đó, Luật Nhà ở năm 2014, khẳng định nhà công vụ không được phép bán hóa giá cho người đang sử dụng. Căn cứ vào những văn bản pháp quy trên, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BXD, quy định chi tiết về việc quản lý, sử dụng nhà công vụ, nhưng quy định đối tượng được thuê xảy ra nhiều bất cập.
Theo đó, cán bộ được điều động, luân chuyển đến công tác tại các cơ quan T.Ư, hệ số phụ cấp chức vụ dưới 1,3 và địa phương dưới 0,9 không thuộc đối tượng được thuê theo tiêu chuẩn nhà công vụ, trong khi nhu cầu thực tế chiếm số lượng lớn. Ngoài ra, cũng chưa quy định rõ ràng về diện tích sử dụng nhà công vụ, một cán bộ có thể ở trong căn nhà rộng đến hàng trăm mét vuông, dẫn đến việc lãng phí diện tích sử dụng...
“Chủ trương làm nhà ở công vụ mang ý nghĩa nhân văn lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đến cán bộ công chức, viên chức thuộc diện phải điều động, luân chuyển công tác, tạo điều kiện tốt nhất cho họ trong quá trình làm việc. Nhưng do những quy định chưa thực sự phù hợp với thực tế và sự buông lỏng từ cơ quan quản lý, dẫn đến những lỗ hổng trong quản lý, sử dụng nhà công vụ thời gian qua” - KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nói.
Mở rộng đối tượng thụ hưởng
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, căn cứ vào báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương việc thực thi Luật Nhà ở, một số quy định về nhà công vụ không còn phù hợp với thực tế. Số lượng ít, không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Thiếu kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị. Quy định về đối tượng được thuê chưa phù hợp... Do vậy, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Tờ trình về tiêu chuẩn nhà công vụ, dự kiến sẽ mở rộng thêm đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 1,3 ở cơ quan T.Ư và dưới 0,9 tại địa phương được ưu tiên thuê nhà công vụ.
Về vấn đề này, theo Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam Phạm Thanh Tùng, cần phải nhìn nhận, ngoài những cán bộ cấp cao, cán bộ quản lý vẫn còn lượng lớn chuyên viên nằm trong diện điều chuyển công tác cũng cần có nơi ở, nên trong quy chế phải quan tâm đến nhóm đối tượng này.
Ngoài ra, pháp luật đã quy định rõ ràng việc bãi bỏ tình trạng bao cấp nhà ở, nhưng thực tế thuê nhà công vụ hiện nay giá thấp hơn nhiều so với thị trường, quá trình sử dụng bị xuống cấp Nhà nước vẫn phải bỏ tiền ra sửa chữa, giữ vai trò hỗ trợ chính.
Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, Nhà nước nên xây thêm những công trình nhà công vụ. Như vậy sẽ giúp thuận lợi cho công việc, đi lại của cán bộ, chuyên viên, đây chính là tính ưu việt của nhà công vụ. Ngay cả những quốc gia phát triển, như Mỹ hay ở châu Âu... vẫn ưu tiên phát triển nhà công vụ, nhưng chỉ vận hành bằng hình thức cho thuê theo giá ngang bằng thị trường, Chính phủ sẽ sử dụng tiền thuê đó để phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa trong quá trình sử dụng.
“Việt Nam cũng nên thực hiện quản lý nhà công vụ chỉ bằng hình thức cho thuê, ngang bằng giá thị trường. Tiền hỗ trợ thuê nhà được trả thẳng vào lương căn cứ theo hệ số phụ cấp của cán bộ thuộc diện điều chuyển, luân chuyển công tác có nhu cầu nhà ở. Nhưng cán bộ mang theo gia đình, người thân thì những người đó phải trả thêm tiền thuê nhà, Nhà nước không có trách nhiệm phải hỗ trợ cả người nhà của cán bộ” - KTS Phạm Thanh Tùng nhìn nhận.
Đồng quan điểm, KTS Trần Huy Hoàng - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Nhà nước nên có quy định rõ ràng về diện tích đầu người đối với mỗi cán bộ, chuyên viên được ưu tiên thuê nhà công vụ. Tránh trường hợp một người được thuê căn nhà với diện tích hàng trăm mét vuông, gây lãng phí, sau đó lại sử dụng diện tích dư thừa cho thuê lại, khiến công tác quản lý gặp khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận