“Quốc hội khóa sau sẽ làm tốt hơn khóa trước”
“Quốc hội khóa sau sẽ làm tốt hơn khóa trước. Đó là quy luật. Như vâỵ đất nước mới phát triển được”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Ý kiến trên của bà Ngân đưa ra khi thảo luận tại phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra đầu tuần này, khi chỉ còn hơn một tuần nữa Quốc hội khóa XIV sẽ bắt đầu kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ.
5 năm, 11 kỳ họp, thông qua 72 luật, giám sát tối cao 7 chuyên đề, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước... thật khó để đánh giá đầy đủ trong vài chục trang báo cáo.
Nhưng trước khi chính thức trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 (từ 24/3-8/4), thảo luận tại phiên họp thứ 54, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có chung nhận định: Quốc hội đương nhiệm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hiến pháp quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Tất nhiên, Quốc hội nhiệm kỳ nào cũng sẽ thực hiện các quyền đã được hiến định này, nhưng dấu ấn để lại sẽ rất khác nhau.
“Nếu để đánh giá một cách khái quát nhất thì tôi thấy đây là một nhiệm kỳ Quốc hội thành công. Một nhiệm kỳ thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho”, Chủ tịch Quốc hội khái quát.
Bà Ngân nhấn mạnh, ngoài những kỳ họp toàn thể của Quốc hội, hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều họp và thậm chí có những lúc phải họp đột xuất để giải quyết những nhu cầu đột xuất của đất nước, yêu cầu của Chính phủ để bảo đảm cho sự vận hành của Nhà nước, của đất nước không bị ách tắc.
Quốc hội khóa XIV, theo Chủ tịch Quốc hội là một nhiệm kỳ mà tính dân chủ được phát huy rất mạnh mẽ, nhưng dân chủ trong kỷ cương, theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Điều đó thể hiện rõ qua việc mở rộng dân chủ từ thảo luận sang tranh luận. Bà Ngân cũng lưu ý rằng, Quốc hội các khóa trước có tranh luận chứ không phải là không có, nhưng cách thể hiện được ý kiến tranh luận chưa rõ bằng nhiệm kỳ này. Vì khi đại biểu muốn tranh luận lại phải đăng ký và như thế tên đại biểu sẽ nằm ở cuối bản danh sách đăng ký phát biểu, thành ra rất khó có cơ hội để tranh luận (bởi thường là do hết thời gian - PV).
Nhưng, ở nhiệm kỳ này, đại biểu được giơ biển (hoặc đăng ký qua phần mềm tại Ipad) để tranh luận không cần theo thứ tự đăng ký. Đổi mới này, theo Chủ tịch Quốc hội đã tạo không khí nghị trường rất cởi mở, thể hiện được sự phản biện của đại biểu Quốc hội, của các cơ quan Quốc hội, những ý kiến phân tích rất sâu sắc, đáp ứng được sự mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Lắng nghe ý kiến nhật xét, đánh giá của cử tri, của nhân dân cũng là một vấn đề được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong hoạt động của cơ quan đại diện cho dân.
“Mục đích, yêu cầu của cơ quan dân cử đó là phải gắn với dân, nói tiếng nói của dân, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và đưa những chủ trương, đường lối của Đảng trong nghị quyết của Đại hội, nghị quyết của Trung ương, những kết luận của Bộ Chính trị để thể chế hóa thành những quy định của luật pháp”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Gói lại cả nhiệm kỳ, nữ Chủ tịch Quốc hội khẳng định đất nước phát triển được như ngày hôm nay trong đó có sự đóng góp rất lớn của hoạt động dân cử nói chung và của Quốc hội khóa XIV nói riêng, nhưng bà cũng nói rõ hơn là không phải Quốc hội khóa XIV mới đóng góp cho đất nước phát triển mà nhiệm kỳ nào cũng có sự đóng góp của Quốc hội.
Vì thế, Quốc hội khóa XIV cần phải đánh giá sâu sắc hoạt động của mình, để lại những bài học kinh nghiệm cho Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới và phát triển hơn.
“Tất nhiên, mỗi một Quốc hội khóa sau sẽ làm tốt hơn khóa trước. Đó là quy luật. Như vậy đất nước mới phát triển được”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Tham gia thảo luận về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Trưởng ban công tác đại biểu Trần Văn Túy nói: Chúng ta rất tự hào về sự phát triển kinh tế những năm gần đây. Nhưng ai cũng biết khu vực FDI đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP, tăng trưởng GDP không thực chất, không phải bắt đầu từ sản xuất trong nước.
Trong khi đó mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước chưa tốt, chuyển giao công nghệ chưa có hoặc rất hạn chế, như vậy lãng phí một nguồn lực rất lớn khi chúng ta ưu đãi rất lớn cho doanh nghiệp FDI, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước lại không được ưu đãi đó.
Ông Túy “rất mong Quốc hội, Đảng, Chính phủ có một chiến lược để dứt khoát phải phát triển công nghệ nguồn, ít nhất là công nghệ chế tạo để tỷ lệ nội địa hóa trong nước ngày càng cao thì mới có trị gia tăng. Chuyện lo ngại bẫy thu nhập trung bình lâu nay chúng ta ít nói, nhưng chúng ta cần cũng phải cảnh báo, nếu mà chúng ta không phát triển công nghiệp. Quốc hội phải chủ động hơn nữa để khóa tới có những quyết sách chiến lược cùng với Đảng, Chính phủ có những chính sách tốt hơn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận