Quan hệ Nga – châu Âu sau khủng hoảng Ukraine: Bước ngoặt không thể quay đầu?
Việc chiến tranh bùng nổ ở Ukraine buộc phương Tây phải thừa nhận rằng, các nước này không thể chỉ đơn giản xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu và mặc nhiên cho rằng Nga sẽ nhượng bộ hòa bình với chính sách mở rộng NATO về phía Đông.
Bước ngoặt không thể quay đầu
Trong 3 thập kỷ qua, các nước Tây Âu đã cố gắng tìm kiếm một hướng tiếp cận phù hợp, thậm chí xây dựng quan hệ hữu nghị với Nga. Hướng tiếp cận này đã phản ánh những lợi ích kinh tế và lập trường rằng Nga quan trọng đến nỗi không thể bị "gạt sang lề". Cùng lúc đó, các chính phủ châu Âu cũng khẳng định sẽ duy trì trật tự châu lục dựa trên NATO, EU và quyền tự do của các nước dân chủ trong việc tham gia cả 2 liên minh này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói cách đây hơn 15 năm rằng, phương Tây không thể có cả hai điều trên. Nga quyết định không "nhắm mắt làm ngơ" trước lập trường của Gruzia và Ukraine với NATO và việc Ukraine tìm cách đạt được thỏa thuận thương mại với EU.
Đức, cường quốc kinh tế của châu lục, từ lâu đã chơi bài "nước đôi" với Nga. Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từng dẫn đầu EU trừng phạt Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014. Tuy nhiên, bà cũng hợp tác với Nga trong dự án đường ống dẫn khí gây tranh cãi Dòng chảy phương Bắc 2, bất chấp những cảnh báo từ Mỹ và nhiều nước châu Âu khác.
Ngày 22/2, trước những động thái của Nga ở Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đóng băng việc thông qua đường ống trên và khẳng định: "tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác". Qua việc gắn khí đốt Nga và mối đe dọa của nước này với an ninh châu Âu, ông Scholz đã phá vỡ hướng tiếp cận nước đôi của bà Merkel và cuối cùng đã đáp ứng yêu cầu từ các đồng minh.
"Dòng chảy phương Bắc 2 đã chết", Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Viện Nghiên cứu chiến lược ở Paris nhận định. Đó dường như cũng là "cái chết" trong quan hệ vốn đã mong manh và nhiều rạn nứt giữa EU và Nga.
Cuộc chiến ở Ukraine đem đến nhiều thay đổi nhưng có một kết quả không thể phủ nhận, đó là cấu trúc an ninh châu Âu, chủ yếu được định hình bởi phương Tây trong 3 thập kỷ qua kể từ Liên Xô sụp đổ, sẽ không còn như trước nữa. Khi những tên lửa bay qua bầu trời Kiev, chính quyền Tổng thống Biden, giống như tất cả các nước ở châu Âu, sẽ phải bắt đầu suy nghĩ về một hệ thống mới ổn định hơn cho an ninh đa phương trên toàn châu lục.
Nhà quan sát Geoffrey Aronson nhận định trên National Interst rằng dù tuyên bố chiến tranh của Tổng thống Putin dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng thì trên thực tế, các tổ chức và cơ chế nhằm đảm bảo an ninh ở châu Âu, từ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và liên minh NATO, cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế được sử dụng để buộc Nga thay đổi chính sách đã không mấy hiệu quả và không giải quyết được những lợi ích an ninh cốt lõi của Nga. Trong những tháng gần đây, những nỗ lực tối đa của Mỹ và châu Âu đã không đủ để khiến Nga thay đổi những lằn ranh đỏ căn bản trong vấn đề Ukraine.
Có lẽ những nỗ lực này đã thất bại ngay từ đầu. Một kết quả có thể thấy rõ là những nỗ lực đối thoại của châu Âu với Nga thời gian qua đã không thu về kết quả như kỳ vọng. Những chuyến công du đầu tháng này của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức tới điện Kremlin là những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng để thuyết phục Tổng thống Putin chọn giải pháp hòa giải.
Chính người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cảnh báo ngày 25/2 rằng, mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đang ở thời điểm không thể quay đầu lại, giữa bối cảnh Mỹ, EU và Anh thông báo các lệnh trừng phạt nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine.
Bà Maria cho biết, các lệnh trừng phạt nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho thấy sự “bất lực hoàn toàn” trong chính sách đối ngoại của phương Tây.
Việc chiến tranh bùng nổ ở Ukraine cũng buộc phương Tây phải thừa nhận rằng, các nước này không thể chỉ đơn giản xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu và mặc nhiên cho rằng Nga sẽ nhượng bộ hòa bình với chính sách mở rộng NATO về phía Đông.
Cấu trúc an ninh châu Âu thay đổi
Trong hàng thập kỷ, việc tăng cường một châu Âu "toàn vẹn, tự do và hòa bình" - một cụm từ mà cựu Tổng thống George H.W. Bush đưa ra khi gần kết thúc Chiến tranh Lạnh, đã trở thành cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, khi một số Tổng thống Mỹ gần đây muốn chuyển hướng sự chú ý sang châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể là Trung Quốc, các nước châu Âu cảm thấy họ như bị bỏ lại phía sau.
Thay vì cố gắng thoát khỏi Chiến tranh Lạnh, liên minh xuyên Đại Tây Dương dường như ngày càng lún sâu vào những căng thẳng giữa Nga và NATO. Điều đó đã gây ra sự chia rẽ giữa một bên là các quốc gia ở sườn Đông của NATO muốn nhiều sự đảm bảo an ninh hơn từ phía Mỹ với một bên là những nước như Pháp, vốn từ lâu muốn thúc đẩy sự "tự chủ chiến lược" của châu Âu.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu nhưng lại là một trong những nước dành ít ngân sách quốc phòng nhất cho NATO, có lẽ cũng đối mặt với một lựa chọn khó khăn.
"Lời nhắc nhở cần tăng cường sức mạnh quân sự đã quay trở lại", Liana Fix, sử gia và là nhà khoa học chính trị tại Quỹ Marshall Đức nhận định.
Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây đều cho rằng cuộc tấn công vào Ukraine là cuộc tấn công vào toàn châu lục và là "khoảnh khắc nguy hiểm cho cả châu Âu".
Tuy nhiên khi nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định với châu Âu rằng Mỹ đã quay trở lại thì một số bên lo ngại rằng có những dấu hiệu cho thấy ông Biden chưa hành động đủ mạnh mẽ để tăng cường an ninh châu lục. Một quan chức quốc phòng châu Âu đánh giá, thông báo về các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga hôm 24/2 "vô cùng đáng thất vọng".
Quan chức này cũng cho rằng việc ông Biden nhấn mạnh sự triển khai thêm lực lượng Mỹ ở châu Âu không phải nhằm tham chiến với Nga, có thể là động thái "bật đèn xanh" cho Nga. Theo quan chức này, sau Ukraine, mục tiêu tiếp theo của Nga sẽ là các nước NATO.
Với NATO, Tổng thống Biden đã nhắc lại cam kết sẽ "bảo vệ từng tấc đất của NATO bằng toàn bộ lực lượng của Mỹ" nếu Nga mở rộng chiến dịch tấn công ngoài Ukraine.
Mặc dù cam kết vẫn còn đó nhưng một số nhà quan sát tin rằng những gì diễn ra ở Ukraine sẽ là bước ngoặt với năng lực phòng vệ của châu Âu, dẫn đến việc EU chi nhiều hơn cho quân sự và chia sẻ trách nhiệm bình đẳng hơn.
"Điều này dẫn tới việc ở châu Âu, an ninh và quốc phòng sẽ trở nên quan trọng hơn so với trước đây", chuyên gia Fix cho hay./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận