Quản chặt nhà, đất công: Đủ kiểu lãng phí, trục lợi
L.T.S: Dù không ít lần được yêu cầu chấn chỉnh nhưng việc quản lý nhà, đất công tại TP HCM vẫn lãng phí. Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ cùng chế tài mạnh để chấn chỉnh và khai thác hiệu quả.
L.T.S: Dù không ít lần được yêu cầu chấn chỉnh nhưng việc quản lý nhà, đất công tại TP HCM vẫn lãng phí. Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ cùng chế tài mạnh để chấn chỉnh và khai thác hiệu quả
Sử dụng sai mục đích, công năng để trục lợi hay bỏ hoang là những gì nhóm phóng viên Báo Người Lao Động chứng kiến trong hơn 10 ngày đi thực tế tìm hiểu về thực trạng nhà, đất công ở TP HCM.
Kéo dài hơn 300 m mặt tiền Quốc lộ 1 (đoạn qua phường Tân Thới Nhất, quận 12), khu đất khoảng 53.000 m2 do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Đồng Tiến (gọi tắt là Công ty Đồng Tiến) quản lý với 2/3 diện tích được xẻ thành nhiều ô để cho thuê làm nhà xưởng, phần còn lại cho thuê làm bãi đậu xe.
Thuê đất công để... kiếm lời
Vào bên trong khu đất được "xẻ thịt" làm nhà xưởng, chúng tôi ghi nhận gần 10 cơ sở đang hoạt động với ngành nghề chủ yếu là gia công sắt thép, gỗ... Diện tích mỗi nhà xưởng từ 400 m2 đến 1.000 m2, dựng bằng sắt khá kiên cố. Sát bên hệ thống nhà xưởng là bãi đậu xe tải của các doanh nghiệp thuê lại của Công ty Đồng Tiến và một cơ sở trưng bày đá bonsai khá bề thế.
Qua tìm hiểu được biết năm 2012 khu đất "vàng" này được TP giao cho Công ty Đồng Tiến thuê để làm siêu thị và trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên từ thời điểm thuê đến nay, công ty này không hề xây dựng làm siêu thị và trung tâm dịch vụ nông nghiệp mà tự ý cho Công ty Cát Thành Công thuê đất để xây dựng văn phòng, bãi đậu xe không phép theo hình thức "hợp đồng dịch vụ".
Nằm ngay mặt tiền đường Trần Khắc Chân (thị trấn Hóc Môn), ngay trung tâm hành chính huyện Hóc Môn, khu đất diện tích 3.600 m2 được TP giao Công ty CP Lương thực TP HCM theo hợp đồng thuê đất năm 2014 để làm chi nhánh và kho thực phẩm. Thế nhưng, đơn vị thuê đất công đã xây thêm 8 ki-ốt với mỗi ki-ốt khoảng 30 m2, diện tích còn lại thì cho thuê làm kho và bãi đậu xe tải. Tương tự là khu đất diện tích hàng ngàn mét vuông của Công ty Phân bón Miền Nam quản lý trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân). Theo giấy tờ đăng ký thì đây là khu đất làm cơ sở sản xuất, trụ sở làm việc nhưng thực tế là bãi giữ xe.
Đi dọc đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 5 và quận 6) vào buổi trưa sẽ bắt gặp cảnh ùn ứ bởi thời điểm này, hàng trăm xe tải ra vào các kho hàng nằm dọc đường Võ Văn Kiệt. Ít ai biết rằng những kho này thuộc Công ty CP Lương thực TP HCM. Thế nhưng, chúng được cải tạo lại để cho thuê "chành xe" - nơi tập trung hàng hóa để vận chuyển. Trong vai người đi thuê bãi, chúng tôi liên lạc với số điện thoại được dán trên một cánh cổng tại kho lương thực nằm ngay mặt tiền đường Võ Văn Kiệt. Qua điện thoại, người này xưng là Huy và ra giá 25 triệu đồng/tháng với diện tích 280 m2. "Đây là khu đất của nhà nước. Có nhập hàng điện tử hoặc một số hàng không có giấy tờ vào đây an toàn. Không sợ kiểm tra (!?)" - Huy quảng cáo.
Xí phần rồi... để đó
Cũng nằm trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) hiện có 3 khu đất công với mỗi khu hàng ngàn mét vuông đang bị bỏ hoang. Điển hình, khu đất diện tích 2.700 m2 do Công ty CP Chế tạo máy Sinco (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) đăng ký sử dụng và bỏ hoang hơn 7 năm nay. Nơi đây cỏ mọc cao hơn đầu người, bên trong nhà cửa hư hỏng, hoang tàn.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP HCM, trong năm 2020, qua khảo sát hiện trạng của 987/1.176 khu đất do các tổng công ty, công ty vốn nhà nước đang quản lý, có đến 178 khu đất sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở và có 98 khu đất bỏ trống.
Trở lại quận 12, khu đất nằm ngay vị trí mặt tiền đường Tô Ký (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) với diện tích lên đến 15.600 m2 được TP giao cho Tổng Công ty Lương thực Miền Nam từ năm 2013 để làm văn phòng, nhà xưởng, thời hạn đến năm 2048. Nhưng chỉ hoạt động được vài năm thì khu nhà xưởng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, dọc hàng rào toàn rác, gây mất mỹ quan đô thị.
Cũng ở quận 12, ngoài khu đất trên, người dân còn chỉ dẫn chúng tôi đến khu đất gần 7.500 m2 thuộc quy hoạch khu tái định cư 38 ha phường Tân Thới Nhất. Đây là khu đất được TP giao cho Trường Trung cấp Phương Nam để xây dựng trường dạy nghề từ năm 2012. Thế nhưng 8 năm nay, đơn vị được giao đất chỉ quây hàng rào tôn rồi bỏ hoang. Hình ảnh dọc hàng rào khu đất nơi đây cũng không hơn gì khu đất trên đường Tô Ký. Đó là lập tức trở thành điểm tập kết rác tự phát, gây mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Có diện tích lớn khoảng 100.000 m2 tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), khu đất được TP giao cho Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ TAND Tối cao từ năm 2016 nhưng qua hơn 4 năm, đơn vị này vẫn để đất trống, hoang hóa, chỉ dựng một căn nhà tôn phế liệu để giữ đất.
Biến trụ sở thành hàng quán
Trong suốt những ngày ghi nhận thực trạng sử dụng nhà, đất công, chúng tôi đặc biệt "ấn tượng" với con đường Lê Hồng Phong (quận 5). Theo ghi nhận của chúng tôi, đây có lẽ là con đường ở nội thành có nhiều nhất những khu nhà, đất công bị "hô biến" thành nhà hàng, quán nhậu và hoạt động ì xèo từ nhiều năm qua.
Đầu tiên phải kể đến tòa nhà quy mô 3 tầng lầu, diện tích hơn 400 m2 thuộc trụ sở làm việc của Công ty CP Xây dựng - Tư vấn Saigon (trực thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) tại địa chỉ số 210-212 Lê Hồng Phong (phường 4, quận 5). Từ lâu, người dân xung quanh không còn nhớ đến sự tồn tại của đơn vị này, mà chỉ biết địa chỉ trên đã biến thành nhà hàng với khách ra vào tấp nập. Riêng chúng tôi, quan sát thật kỹ mới thấy tấm bảng được treo lên ở phía trên cao, cũ kỹ và hoen gỉ đề tên công ty.
"Chẳng ai biết bên trong là công ty. Cứ thấy nhà hàng hoạt động thì cửa mở. Những lần dịch Covid-19 bùng phát, UBND TP chỉ đạo tạm ngưng hàng quán thì địa chỉ này coi như không hoạt động" - ông Khánh, hộ dân gần đó, nói.
Cách đó không xa, rạp Hùng Vương - địa chỉ 286 Lê Hồng Phong (quận 5) - cũng được đánh giá là "đất vàng" khi có diện tích sàn 1.000 m2, gồm 3 tầng lầu. Thế nhưng khi qua đây, không mấy ai biết đây là rạp hát vì hơn 10 năm qua, nơi đây trở thành quán nhậu nổi tiếng với tên "ẩm thực Ca3", nay đổi thành "Ẩm thực 286". Gần đó, rạp hát Vườn Lài (quận 10) nay đang "xẻ" một nửa diện tích làm quán cà phê, phần diện tích còn lại làm bãi giữ xe hai bánh.
Riêng quận 6, hiện có 2 công viên lớn nhưng đều bị "xẻ thịt". Công viên Bình Phú có đến 2 công trình sử dụng làm quán cà phê và dịch vụ câu cá; Công viên Phú Lâm có đến 8 công trình xây dựng không đúng quy hoạch, lấn chiếm đất sử dụng chung...
Đã có trường hợp "biến mất"
Thanh tra TP HCM cho biết cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan dẫn đến việc "biến mất" 4.500 m2 đất công tại số 14 Phú Châu (TP Thủ Đức) sau quá trình cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định diễn ra cuối năm 2015.
Khu nhà, đất số 14 Phú Châu được TP xác lập quyền sở hữu nhà nước cho Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định vào năm 2007. Năm 2015, UBND TP HCM phê duyệt khu đất trên là tài sản cố định cho Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định làm cơ sở giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa với yêu cầu: phải quản lý sử dụng đúng mục đích, phải ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước...
Sau khi cổ phần hóa (vào cuối năm 2015), Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định trở thành Công ty CP Dệt may Gia Định. Lúc này cổ đông nhà nước chỉ còn giữ 49% vốn điều lệ, 51% còn lại được bán cho cổ đông bên ngoài. Đến tháng 8-2016, khi lãnh đạo mới của Công ty CP Dệt may Gia Định bắt tay vận hành doanh nghiệp, kiểm tra lại tài sản thực thì phát hiện tài sản là khu đất tại số 14 Phú Châu lại đang thuộc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Gia Định quản lý, sử dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận