QNS trong tầm ngắm của Nutifood
Nhóm Nutifood đang chiếm ưu thế ở 'game' QNS khi sở hữu lượng lớn cổ phần và đã có đại diện trong HĐQT.
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 của CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã CK: QNS), diễn ra ngày 3/4/2021, đã chứng kiến một động thái chưa từng có tiền lệ. Lần đầu tiên ĐHĐCĐ QNS bầu ra thành viên HĐQT là người ngoài công ty. Vị này, theo CTCP Chứng khoán SSI (SSI), là đại diện cho nhà đầu tư liên quan đến nhóm Nutifood.
Theo tìm hiểu của VietTimes, tân thành viên HĐQT QNS mà SSI đề cập nhiều khả năng là ông Nguyễn Văn Đông (SN 1979) – người đã nhận được sự uỷ quyền của các cổ đông nắm giữ tới 29,35 triệu cổ phần, tương đương 8,22% vốn điều lệ QNS.
Ông Nguyễn Văn Đông là nhân sự kỳ cựu của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS), dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A với gần 9 năm làm Trưởng phòng Tư vấn Mua bán và sáp nhập tại đây. Ít tuần trước khi được bầu vào HĐQT QNS nhiệm kỳ 2021 – 2025, VDS đã bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Đông làm giám đốc điều hành.
Lưu ý rằng, với khoản đầu tư chỉ 4,5 tỉ đồng (tính đến 30/6/2021), VDS không nắm giữ quá nhiều cổ phiếu QNS, tỉ lệ sở hữu cũng rất khiêm tốn so với số lượng cổ phần mà ông Nguyễn Văn Đông đại diện.
VDS, nên biết, là đơn vị tư vấn cho CTCP Cà phê Phước An (Mã CK: CPA) – thành viên của Nutifood, niêm yết trên sàn UpCoM vào năm 2019.
Tỉ lệ sở hữu của nhóm Nutifood được hé lộ trong một báo cáo phân tích của công ty chứng khoán khác, được phát hành ít lâu sau ĐHĐCĐ thường niên 2021 của QNS. Theo đó, nhóm này đã sở hữu khoảng 16% vốn điều lệ của QNS.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng hé mở về một ‘tay chơi’ khác, được cho rằng sở hữu khoảng 5% cổ phần QNS. Đó chính là Masan.
Trao đổi với VietTimes tối muộn hôm nay (14/8), đại diện MSN bác bỏ dữ liệu mà báo cáo trên đã nêu. “Phía Masan không đầu tư cổ phiếu QNS nào”, vị này thông tin và cho biết sẽ làm việc với đơn vị phát hành báo cáo để yêu cầu đính chính.
Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nhiều năm qua đã tung ra một loạt các sản phẩm tiêu dùng, tiếp cận nhiều hơn tới ‘bữa ăn của người Việt’.
Đặc biệt, sau khi thâu tóm chuỗi Vinmart và Vinmart+, Masan đã tăng hiện diện đáng kể cho các sản phẩm tiêu dùng của mình.
Các sản phẩm thịt mát của Masan MeatLife được bố trí ngay gần cửa ra vào. Các sản phẩm mì gói, nước tương, nước mắm, tương ớt của hãng tràn ngập trên các kệ hàng, được sắp xếp ở vị trí bắt mắt, dễ tiếp cận người tiêu dùng nhất có thể.
Nhưng ngoài thịt mát và mì gói, người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có lợi cho sức khoẻ, trong đó có sữa.
Tham vọng này từng được chính lãnh đạo MSN xác nhận tại ĐHĐCĐ năm 2019.
Vậy mà trên ‘sân nhà’ nhiều tỉ USD của Masan, các sản phẩm sữa mang thương hiệu của tập đoàn này vẫn còn vắng bóng trên các kệ hàng.
Theo số liệu của Nielsen, Vinasoy – sản phẩm sữa của QNS – vẫn tiếp tục duy trì và giữ vững vị thế dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành bao bì hộp giấy tại thị trường Việt Nam với thị phần năm 2020 đạt 85,8%, tăng 1,2% so với năm 2019.
Riêng tháng 12/2020, thị phần của Vinasoy đạt 87,3% tăng 2,9% so với thời điểm kết thúc tháng 12/2019./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận