PVY cắt được chuỗi lỗ 28 quý liên tiếp nhưng âm vốn chủ, lỗ lũy kế hơn ngàn tỷ đồng
“Ơn giời, PVY có lãi rồi” có lẽ là câu nhiều người phải thốt lên khi nhìn vào kết quả kinh doanh của CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard, UPCoM: PVY) nhiều năm qua. Tại quý 3/2023, Doanh nghiệp cắt được chuỗi thua lỗ kéo dài 28 quý liên tiếp. Tuy nhiên, bức tranh tài chính của Doanh nghiệp vẫn đang rất u ám.
Các chỉ tiêu kinh doanh của PVY trong quý 3/2023
Nguồn: VietstockFinance
Theo BCTC quý 3/2023, PVY ghi nhận doanh thu tăng mạnh lên 344 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Dù giá vốn cũng tăng mạnh nhưng sau khi khấu trừ, Doanh nghiệp vẫn lãi gộp 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 17 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng đột biến lên 5.7 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ ghi nhận khoảng 200 triệu đồng) nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái. Chi phí tài chính tăng nhẹ, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh nhờ giảm được chi phí lương và các khoản chi khác. Kết quả, Doanh nghiệp báo lãi sau thuế 20 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 34 tỷ đồng), chính thức chấm dứt chuỗi thua lỗ kéo dài 28 quý liên tiếp kể từ quý 3/2016.
Nhìn vào thuyết minh, chiếm phần lớn doanh thu trong kỳ của PVY là mảng dịch vụ đóng mới cấu kiện, sửa chữa phương tiện nổi. Mảng này tăng mạnh trong quý 3, đạt 278 tỷ đồng, gấp 3.7 lần cùng kỳ. Phần còn lại là mảng dịch vụ cho thuê bến bãi, phương tiện cũng tăng mạnh 81%, đạt hơn 66 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 3/2023 của PVY
Lũy kế 9 tháng, PVY đạt doanh thu 583 tỷ đồng, gấp 2.6 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận có được từ quý 3 chưa thể giúp PVY báo lãi, khi Doanh nghiệp lỗ sau thuế 15 tỷ đồng. So với khoản lỗ 84 tỷ đồng cùng kỳ, tình hình dường như đã khởi sắc hơn.
Thời điểm cuối tháng 9, tổng tài sản của PVY tăng 52% so với đầu năm, lên hơn 1 ngàn tỷ đồng. Lượng tiền nắm giữ (gồm tiền mặt, các khoản tương đương và tiền gửi ngân hàng) tăng vọt lên hơn 144 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm.
Một hạng mục biến động mạnh khác là các khoản phải thu ngắn hạn tăng lên 370 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần đầu năm. Trong đó, tăng mạnh nhất là phải thu ngắn hạn của khách hàng, cuối kỳ đạt 273 tỷ đồng, gấp 2.3 lần; phải trả người bán ngắn hạn ghi nhận 106 tỷ đồng (đầu năm chỉ 1.5 tỷ đồng). Giá trị hàng tồn kho cũng tăng 50% lên 98 tỷ đồng.
Phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn lên tới 1.45 ngàn tỷ đồng, cao hơn đầu năm 40%, với thay đổi lớn nhất nằm ở khoản phải trả ngắn hạn khác (385 tỷ đồng, đầu năm chỉ 20 tỷ đồng). Doanh nghiệp có vay nợ ngắn hạn hơn 630 tỷ đồng (tăng 11%), hầu hết là nợ dài hạn tới hạn trả từ khoản vay ở PvcomBank.
Những năm thua lỗ trước kia khiến bức tranh tài chính của PVY trở nên u ám. Thời điểm cuối tháng 9, Doanh nghiệp lỗ lũy kế tới hơn 1 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 423 tỷ đồng.
PVY thành lập năm 2007 bởi Tổng CTCP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - đơn vị thành viên của PetroVietnam (PVN), Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) và Liên doanh Nga - Việt - Vietsovpetro (VSP). Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chính là đóng mới, sửa chữa, hoán cải các loại giàn khoan, giàn khai thác dầu khí, tài thủy, phương tiện nổi và các thiết bị liên quan.
Theo báo cáo quản trị bán niên 2023, cổ đông lớn nhất hiện tại của PVY là PTSC, sở hữu 28.75% vốn cổ phần. SBIC là cổ đông lớn thứ 2, với 7.53% vốn điều lệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận